Câu hỏi lớn đặt ra khi Nga tuyên bố Su-34 lần đầu phóng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal

ANTD.VN - Oanh tạc cơ Su-34 được Nga thông báo đã lần đầu tiên phóng thành công tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.

Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm) cực kỳ lợi hại nhiều khả năng không còn là vũ khí tấn công tầm xa độc quyền của tiêm kích đánh chặn MiG-31K Foxhound nữa.

"Trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt, máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 đã lần đầu tiên phóng thành công tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal", hãng tin TASS cho biết sau khi trích dẫn nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Nga.

"Oanh tạc cơ Su-34 của chúng ta đã triển khai tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal. Đây là lần đầu tiên loại đạn tấn công tầm xa này được sử dụng trong điều kiện chiến đấu thực sự từ loại chiến đấu cơ nói trên".

"Kíp chiến đấu của máy bay ném bom Su-34 chứng tỏ được kỹ năng và trình độ đào tạo chuyên nghiệp. Với thành tích này, họ đã được đề cử để nhận giải thưởng vinh dự cấp cao", nguồn tin của hãng thông tấn TASS nói rõ.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin nào cho thấy Nga đã tích hợp thành công tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal lên máy bay ném bom tiền tuyến Su-34, vì vậy thông tin nói trên đang gây không ít nghi ngờ và cần được kiểm chứng.

"Dao găm" là một loại tên lửa không đối đất đặc biệt của Nga, nó được hoán cải từ đạn 9M723 trang bị cho tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M nổi tiếng.

Thông số kỹ thuật cơ bản của tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal bao gồm chiều dài 7,2 m; đường kính thân 1,2 m; sải cánh 1,6 m; trọng lượng phóng 4.300 kg, mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc loại thông thường chứa 480 kg thuốc nổ mạnh.

So với tầm xa 500 km và vận tốc Mach 7 của đạn 9M723 khi phóng từ mặt đất, tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal có khả năng đạt tới vận tốc cực lớn là Mach 10 và vượt qua cự ly 2.000 km.

Để làm được điều này, máy bay mang tên lửa được yêu cầu duy trì độ cao 20 km và vận tốc Mach 2 rồi mới phóng đạn nhằm cung cấp động năng ban đầu. Với thông số như trên, chỉ có tiêm kích đánh chặn MiG-31 là đáp ứng nổi.

Nhưng để mang tên lửa Kinzhal, tiêm kích đánh chặn MiG-31 phải nâng cấp lên phiên bản MiG-31K, trong đó cải tiến lớn nhất là gia cố khung thân tại vị trí mấu treo vũ khí chính giữa nhằm chịu được trọng lượng lớn của quả đạn.

Trong khi đó với Su-34 Fullback, mặc dù gần đây nhà sản xuất đã thông báo về công việc nâng cấp lên chuẩn Su-34M, nhưng thay đổi tập trung chủ yếu ở hệ thống điện tử, chưa có dấu hiệu cho thấy máy bay được gia cường khung thân.

Bên cạnh đó, độ cao lớn nhất mà chiếc oanh tạc cơ này có thể vươn tới cũng chỉ là 18 km, vận tốc tối đa của Su-34 dừng lại ở mức Mach 1,8, tức là hai thông số quan trọng nhất đều dưới ngưỡng yêu cầu đối với tên lửa Kinzhal.

Trong trường hợp "thú mỏ vịt" thực sự được gia cố khung thân để mang đạn thì tên lửa Kinzhal chắc chắn cũng chẳng thể nào đạt tới thông số thiết kế tối ưu như khi phóng đi từ tiêm kích MiG-31K.

Có lẽ nhận ra thực tế này mà Nga chưa tích hợp tên lửa "Dao găm" cho máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, mặc dù chiếc oanh tạc cơ nói trên mang được tới 4 quả đạn mà không cần phải chỉnh sửa gì nhiều.