Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng không quân Bắc Yemen - còn được gọi là Cộng hòa Ả Rập Yemen (YAR) sử dụng các máy bay chiến đấu MiG-17 và MiG-21 do Liên Xô chuyển giao.
Tuy nhiên, nước này cũng vận hành máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-5E Tiger II của Mỹ từ năm 1979, điều đáng nói là F-5E mới chỉ cất cánh lần đầu vào năm 1972.
Như vậy họ đã có loại máy bay này tương đối sớm. Vậy làm thế nào Yemen có được phi đội F-5E của Mỹ lại là một câu chuyện thực sự ly kỳ.
Việc mua lại chiếc máy bay nói trên của nước này về bản chất có liên quan đến Chiến tranh Yemen lần thứ hai diễn ra vào tháng 3 năm 1979.
Về mặt lịch sử, Bắc Yemen là một phần của Đế chế Ottoman cũ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong khi Nam Yemen lại là một phần của Đế quốc Anh từ thế kỷ 19.
Bắc Yemen - hay đơn giản là Yemen - lần đầu tiên được Mỹ công nhận là một quốc gia có chủ quyền vào năm 1948, mặc dù nguồn gốc của nó có từ năm 1918.
Quốc gia này sau đó được công nhận là Cộng hòa Ả Rập Yemen (YAR) vào năm 1962, trong khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Nam Yemen (PDRY), một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô cũ, lại chỉ được công nhận vào năm 1967.
Đầu những năm 1970 là thời kỳ chứng kiến tình trạng bất ổn chính trị đáng kể giữa miền Bắc và miền Nam, dẫn đến Chiến tranh Yemen lần thứ nhất vào năm 1972.
Cuộc xung đột chỉ kéo dài ba tuần từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 năm 1972, sau đó ngừng bắn khi thỏa thuận Cairo được ký kết.
Tuy nhiên, sự ổn định không kéo dài khi Chiến tranh Yemen lần thứ hai nổ ra vào cuối tháng 2 năm 1979.
Dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, Mỹ quyết định hỗ trợ YAR bằng cách cung cấp một loạt thiết bị quân sự vào đầu tháng 3 năm 1979, trước đó Ả Rập Saudi đã cung cấp viện trợ quân sự cho YAR trong Chiến tranh Yemen lần thứ nhất.
Khoản viện trợ trị giá 390 triệu USD bao gồm 12 máy bay tiêm kích F-5E, 8 chiếc trong số đó ban đầu được sản xuất cho Ethiopia nhưng sau đó bị cấm vận, 4 chiếc là sản xuất thêm.
Gói hàng này còn bao gồm 2 máy bay vận tải C-130 , 60 xe tăng M60 , 50 xe bọc thép chở quân M113 , 302 tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder cùng một số vũ khí khác.
Ngoài ra, Ả Rập Saudi đã được chính quyền Tổng thống Carter cho phép gửi 4 chiếc Máy bay chiến đấu F-5B hai chỗ ngồi của mình tới YAR.
Quyết định của Tổng thống Carter cung cấp thiết bị quân sự cho YAR là minh họa cho chính sách chuyển hướng của Mỹ sang Trung Đông vào thời điểm này.
Tất nhiên, các chính quyền trước đây của Mỹ đã cung cấp thiết bị cho YAR. Như vào năm 1976, chính quyền Ford đã cung cấp cho YAR 140 triệu USD, chủ yếu bao gồm vũ khí và trang thiết bị của lực lượng mặt đất YAR bao gồm pháo, hệ thống tên lửa đất đối không và xe tải quân sự.
Tuy nhiên, đến năm 1979, bất chấp những tranh cãi xảy ra trong chính quyền Carter về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Vịnh Ba Tư, Washington đã bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự hơn trong khu vực.
Vào tháng 1 năm 1979, 12 chiếc F-15E của Mỹ đã được bán cho Ả Rập Saudi - chủ yếu để trấn an đồng minh, đồng thời để giảm bớt tác động của thỏa thuận hòa bình Ai Cập-Israel sắp ký kết vào tháng 3/1979.
Tuy nhiên, đến tháng 2 năm 1979, chính quyền Tổng thống Carter đã nói rõ rằng những cử chỉ như vậy là một phần của sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ trong khu vực.
“Chúng tôi đã đưa ra quyết định chính sách về vai trò tích cực hơn trong khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Harold Brown cho biết lúc đó.
“Chúng tôi đã nói với các quốc gia đó những điều mà họ đã không nghe thấy trong một thời gian dài - cụ thể là Mỹ đã quan tâm sâu sắc đến Trung Đông, chúng tôi lo lắng về những gì Liên Xô đang làm", ông Harold Brown nhấn mạnh.
Trong chuyến đi của ông Harold Brown chủ yếu tập trung vào việc đàm phán chuyển giao vũ khí, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cuối cùng đã hứa với Ả Rập Xê Út rằng Washington sẽ cung cấp cho YAR các xe tăng M60 và tiêm kích F-5E.
Trước khi cam kết của ông Harold Brown, PDRY liền đã phát động một cuộc tấn công YAR vào ngày 28 tháng 2 năm 1979, cuộc tấn công do các máy bay MiG-21 và Su-22 của Lực lượng Không quân PDRY dẫn đầu.
Với áp lực gia tăng, chính quyền Tổng thống Carter bắt đầu coi tình hình ở Yemen là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Vào ngày 7 tháng 3 năm 1979, Tổng thống Carter đánh giá rằng cuộc giao tranh là tình trạng khẩn cấp đe dọa an ninh lợi ích quốc gia Mỹ, và Washington cần phải áp dụng Mục 36(b) của Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí năm 1976 .
Theo đó cho phép Tổng thống Mỹ bỏ qua việc đạt được sự chấp thuận của Quốc hội về việc xuất khẩu vũ khí. Do đó, khoản viện trợ trị giá 390 triệu USD cho YAR, bao gồm 12 chiếc F-5E, đã được tiến hành nhanh chóng.
Khi những chiếc F-5E đầu tiên đến sớm hơn sáu tuần so với kế hoạch, Lực lượng Không quân Bắc Yemen không có phi công cũng như nguồn lực để vận hành chúng.
Việc giao hàng được đẩy nhanh này đã dẫn đến việc Ả Rập Saudi tranh giành suất tuyển dụng phi công để huấn luyện phi công của YAR sử dụng máy bay F-5E.
Cuối cùng, Mỹ và Ả Rập Saudi đã thỏa thuận cho Đài Loan (Trung Quốc) để cử một số phi công đến huấn luyện vận hành và bảo trì những chiếc F-5E của Bắc Yemen.
Lực lượng Không quân Đài Loan (ROCAF) vốn đã có nhiều năm kinh nghiệm vận hành những chiếc tiêm kích F-5E.
Cụ thể, lực lượng này đã nhận được chiếc F-5E lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1975, trong khi những chiếc F-5 thế hệ đầu tiên từ Mỹ được giao cho họ vào năm 1965.
Bất chấp những nỗ lực này nhằm nhanh chóng cung cấp cho YAR những chiếc tiêm kích F-5E để tăng cường cho xung đột, tuy nhiên Chiến tranh Yemen lần thứ hai đã kết thúc nhanh chóng vào ngày 19 tháng 3 năm 1979. Tổng cộng, cuộc xung đột này chỉ kéo dài ba tuần hai ngày.
Tuy nhiên, sự hiện diện của nhân viên Đài Loan ở Bắc Yemen lại kéo dài hơn dự kiến ban đầu.
Ban đầu, 80 nhân viên - bao gồm phi công và thành viên kỹ thuật mặt đất do Trung tá Che Meng-sian chỉ huy được Đài Loan cử đến Sana'a để vận hành và bảo trì những chiếc F-5E.
Đến cuối năm 1979, tổng cộng đã có tới 16 chiếc F-5 với các phiên bản đã đến Căn cứ Không quân Dailami, nằm ở Sana'a.
Các phi công Đài Loan đã hợp tác với Phi đội 112 của Lực lượng Không quân Cộng hòa Ả Rập Yemen, còn được gọi là "Phi đội Sa mạc" để vận hành phi đội tiêm kích này.
Cho đến năm 1985, phi công và phi hành đoàn mặt đất Đài Loan chiếm phần lớn trong Phi đội 112, lúc đó đã có đủ phi công YAR được huấn luyện để tiếp cận và vận hành phi đội F-5E.
Tuy nhiên, các phi công YAR mới vào nghề, có rất ít kinh nghiệm, đã phải vật lộn để thích nghi với những chiếc F-5E và các cả những chiếc MiG-21 do Liên Xô cung cấp.
Đến cuối năm 1985, YARAF đã mất 25 máy bay các loại trong nhiều vụ tai nạn khác nhau, trong đó có 4 chiếc MiG-21 và 1 chiếc F-5E.
Các phi công Đài Loan đã ở lại nước này thêm vài năm. Các tài liệu được giải mật gần đây cho thấy hơn 1.000 phi công và kỹ thuật mặt đất Đài Loan đã được điều động tới YAR từ năm 1979-1990.
Đến năm 1990, hai miền Nam-Bắc của Yemen bắt đầu đàm phán thống nhất để trở thành Cộng hòa Yemen.
Tuy nhiên vào năm 1994 cuộc nội chiến bùng phát giữa miền Bắc và miền Nam Yemen từ tháng 5 đến tháng 7, những chiếc F-5E đã lần nữa xuất kích.
Đầu tháng 5/1994, Thiếu tá Nabi Ali Ahmad của miền Bắc điều khiển chiếc F-5E đã bắn rơi ít nhất một chiếc MiG-21 của miền Nam. Cuối tháng 5, một chiếc F-5E do Thiếu tá Mohammed Yâhya ash-Shami điều khiển đã bị hỏa lực phòng không phía Nam Yemen bắn rơi.
Vào tháng 6/1994, hai chiếc F-5E của miền Bắc Yemen đã bắn hạ thành công một chiếc MiG-21 phía Nam do Thiếu tá Abdul Habib Salah điều khiển.
Sau cuộc xung đột ngắn ngủi dẫn đến chiến thắng của miền Bắc Yemen và thống nhất đất nước, những chiếc F-5E còn lại tiếp tục được biên chế.
Những chiếc F-5E đã được lực lượng Yemen sử dụng rộng rãi để chống lại lực lượng Houthi thân Iran nỏi dậy và kiểm soát miền Bắc Yemen.
Năm 2015, một số phi công của Yemen trung thành với phong trào Houthi vốn đã chiếm quyền sử dụng một số máy bay F-5E.
Gần đây, hình ảnh cho thấy lực lượng Houthi ít nhất đang vận hành một chiếc F-5E chiếm được từ quân chính phủ đã được lan truyền trên mạng.
Chiếc máy bay F-5E này được phát hiện xuất hiện bất ngờ tại một cuộc duyệt binh vào tháng 9/2023 do lực lượng Houthi tổ chức.