Căng thẳng bùng lên khi Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất 10 đại sứ phương Tây

ANTD.VN - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 23-10 đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao trục xuất 10 đại sứ các nước phương Tây, trong đó có Mỹ. Diễn biến mới nhất này thổi bùng lên căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước đồng minh NATO.

“Tôi đã chỉ đạo Ngoại trưởng lập tức tiến hành các biện pháp để đảm bảo rằng 10 đại sứ này bị coi là không được chào đón ở Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan cho biết trong một bài phát biểu ở thành phố Eskisehir.

Thuật ngữ “Persona non grata” tức “không được chào đón” như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đề cập có nghĩa là có thể xóa bỏ quy chế ngoại giao và thường dẫn đến việc trục xuất hoặc rút lại công nhận các đại sứ.

Đại sứ của 10 nước gồm: Mỹ (ảnh), Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển. Hiện chưa rõ thời gian cụ thể các đại sứ phải rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi đại sứ quán 10 quốc gia ra tuyên bố chung kêu gọi Ankara trả tự do cho nhà hoạt động Osman Kavala hôm 19-10.

Ông Kavala là doanh nhân và cũng là một nhà hoạt động nhân quyền. Sau 4 năm bị giam giữ, ông được tuyên trắng án năm 2020, nhưng tiếp tục bị bắt giam do cáo buộc âm mưu đảo chính hồi năm 2016.

Nhà hoạt động Kavala cho biết hôm 22-10-2021 sẽ không tham dự phiên tòa nào nữa vì một phiên điều trần công bằng là không thể diễn ra sau những bình luận gần đây của Tổng thống Erdogan. Phiên xét xử tiếp theo dự kiến vào ngày 26-11.

Cùng ngày 19-10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ của các nước nói trên và gọi tuyên bố chung là vô trách nhiệm.

Tổng thống Erdogan cũng cảnh báo sẽ trục xuất họ vì vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.

Phía Washington đang yêu cầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ giải thích ý định của Ankara trong việc trục xuất Đại sứ Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết, đang liên hệ với các quốc gia đồng minh, đồng thời khẳng định các nước liên quan sẽ tiếp tục bảo vệ các nguyên tắc và giá trị chung được thể hiện qua tuyên bố chung liên quan đến ông Kavala.

Một nguồn tin tại Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết 10 quốc gia đang tham vấn với nhau. Bộ Ngoại giao Na Uy nói rằng đặc phái viên của họ đã "không làm bất cứ điều gì để có thể bị trục xuất".

“Việc trục xuất 10 đại sứ là một dấu hiệu cho thấy sự độc đoán của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa”, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli viết trên Twitter.

Trong số 10 đại sứ này, 7 trong số đó là các đồng minh NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ trục xuất, nếu diễn ra, sẽ gây rạn nứt sâu sắc nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trong 19 năm cầm quyền của ông Erdogan.

Trước đó, Tổng thống thông báo sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn ở Rome vào cuối tuần tới.

Trước thềm hội nghị quan trọng như vậy, rất có thể các nước phương Tây sẽ giảm leo thang bởi Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã thể hiện rất rõ ràng lập trường của mình