Thổ Thĩ Kỳ - phương Tây bất ngờ nổi sóng gió ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mối quan hệ không mấy yên ả giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia phương Tây tưởng đã được cải thiện, song bất ngờ nổi sóng gió trở lại khi quốc gia nửa Á nửa Âu này triệu tập cùng lúc 10 đại sứ các nước như Mỹ, Đức, Pháp… để phản đối điều mà Ankara cho rằng can thiệp vào nội bộ nước này.
Biểu tình đòi trả tự do cho doanh nhân Osma Kavala trước một tòa án ở thành phố Istanbul hồi tháng 5-2021

Biểu tình đòi trả tự do cho doanh nhân Osma Kavala trước một tòa án ở thành phố Istanbul hồi tháng 5-2021

Đại sứ 10 nước cùng đưa ra tuyên bố kêu gọi giải pháp công bằng

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ vừa triệu tập đại sứ của 10 quốc gia phương Tây tại nước này, gồm: Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và New Zealand. Lý do, theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, là các đại sứ của 10 quốc gia này đã can thiệp vào việc xét xử một doanh nhân vốn là công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước khi bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, đại sứ 10 quốc gia phương Tây trên cùng đưa ra tuyên bố kêu gọi một giải pháp công bằng và nhanh chóng với trường hợp của doanh nhân và nhà từ thiện Osman Kavala, người đang bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam từ 4 năm qua. Tuyên bố có đoạn: “Việc tiếp tục trì hoãn xét xử ông Kavala, trong đó có việc hợp nhất các vụ án khác lại và tạo ra các vụ án mới sau khi tuyên bố trắng án trước đó, đã phủ bóng đen lên sự tôn trọng dân chủ, pháp quyền và tính minh bạch trong hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng thả tự do cho ông Kavala”.

Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức có phản ứng mạnh với động thái mà nước này cho là “can thiệp vào công việc nội bộ” khi Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu tuyên bố, việc “các đại sứ đưa ra khuyến nghị và gợi ý cho cơ quan tư pháp trong một vụ án đang diễn ra là không thể chấp nhận được”, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia dân chủ về luật pháp. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul cũng nhấn mạnh, các nhà ngoại giao nước ngoài cần tôn trọng luật pháp nước sở tại và các đại sứ không thể đưa ra đề xuất với tòa án.

Ông Osman Kavala là một doanh nhân, đồng thời là người làm từ thiện nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt năm 2017 trong một vụ án phức tạp. Ông Kavala thoạt tiên được tuyên trắng án trong phiên tòa diễn ra năm 2020 với các cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào năm 2013, song phán quyết này bị đảo ngược vào tháng 4 năm nay, đồng thời bổ sung thêm các cáo buộc trong một vụ án khác liên quan đến âm mưu đảo chính chống lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vào năm 2016. Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, ông Osman Kavala đã “dàn xếp và tài trợ cho các cuộc biểu tình” chống chính quyền bằng cách chuyển tiền từ tỷ phú Mỹ George Soros. Ankara khẳng định, tỷ phú Mỹ thông qua Osman Kavala đã tài trợ cho những người biểu tình cũng như tham gia vào âm mưu đảo chính năm 2016.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thậm chí còn cáo buộc, tỷ phú George Soros đã hỗ trợ ông Osman Kavala tài trợ cho “những kẻ khủng bố” trong các cuộc biểu tình chống chính quyền. Không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nhân George Soros tai tiếng khắp thế giới với những hoạt động hậu thuẫn cho lực lượng đối lập, những nhân vật mà tỷ phú người Mỹ này cho là “hoạt động vì dân chủ, nhân quyền” chống lại những chính thể vi phạm nhân quyền, dân chủ, những nhà lãnh đạo độc tài…

Mối quan hệ đa chiều, đa lợi ích đan xen và phức tạp

Thế nên, căng thẳng mới nổi về ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây không chỉ đơn thuần là liên quan tới vụ án của ông Osman Kavala mà gốc rễ của nó là vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đây cũng chính là “cái gai” lâu nay trong mối quan hệ giữa Ankara và các quốc gia phương Tây, một mối quan hệ đa chiều, đa lợi ích đan xen và phức tạp.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên giữ vai trò quan trọng trong Liên minh quân sự NATO, nhất là với vị trí địa lý một nửa nằm ở châu Âu, một nửa nằm ở châu Á. Quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi này còn có biên giới với Iraq - quốc gia Trung Đông và án ngữ một con đường quan trọng của người di cư từ Bắc Phi, Trung Đông sang châu Âu nên Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò “kép” rất quan trọng với cả NATO và Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như kiểm soát, ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.

Thế nhưng, là quốc gia Hồi giáo nên Thổ Nhĩ Kỳ rất “trầy trật”, bị EU gây khó dễ đủ kiểu trong vấn đề gia nhập liên minh này. Trong khi đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cầm quyền từ hơn 7 năm nay cũng không “hợp nhãn” phương Tây với những cái bắt tay với Nga trong các thương vụ liên quan tổ hợp phòng không S-300 hay xây dựng đường ống dẫn dầu ở Địa Trung Hải…

Trong mối quan hệ đan xen phức tạp đó, nhân quyền lại thường nổi lên gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia phương Tây. Ankara cho rằng, phương Tây dùng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ như vụ án liên quan tới doanh nhân Osman Kavala hiện nay. Dân chủ, nhân quyền chẳng khác nào “chiếc gai” thỉnh thoảng lại nổi lên “chích” vào mối quan hệ Ankara - phương Tây.