Cá voi trắng được đặt tên Hvaldimir đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới vào năm 2019 khi ngư dân phát hiện nó gần đảo Ingoya, phía bắc Na Uy
Lúc đó, Hvaldimir đang đeo sợi dây máy ảnh có dòng chữ “Thiết bị St. Petersburg”. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng con cá voi này có thể là tham gia chương trình huấn luyện động vật dưới nước làm gián điệp của hải quân Nga
Nhà sinh vật học biển Sebastian Strand, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Marine Mind của Na Uy chuyên về bảo vệ đại dương và sinh vật biển, đã theo dõi Hvaldimir trong hơn 3 năm cho biết, chưa rõ nguyên nhân tử vong
Con cá voi dài 4,2m, nặng 1.225 kg. Người ta tin rằng nó khoảng 14 hoặc 15 tuổi, tức là chưa bằng một nửa tuổi thọ trung bình của một con cá voi trắng, khoảng 30 năm.
Trước khi chết, con cá voi trắng này được nhìn thấy ở một số thị trấn ven biển Na Uy và thậm chí nhiều lần tương tác với ngư dân hay nhặt được chiếc máy quay GoPro bị rơi của một người chèo thuyền kayak.
Xác cá voi đã được đưa đến một bến cảng để các chuyên gia kiểm tra. Và đây chỉ là câu chuyện mới nhất trong lịch sử lâu dài của các quốc gia sử dụng động vật làm gián điệp.
Trong Chiến tranh Lạnh, hải quân Liên Xô đã triển khai nhiều chương trình liên quan đến động vật có vú biển. Còn hải quân Mỹ cũng sử dụng cá heo theo Chương trình Động vật có vú Biển (MMP) sử dụng động vật để do thám dưới nước và thu thập thông tin tình báo.
Vào những năm 1960, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã khởi động Dự án OXYGAS, theo đó cá heo được huấn luyện để gắn thiết bị nổ vào tàu địch. Hai con cá heo hoang dã đã được sử dụng cho chương trình này.
Theo một báo cáo tình báo của Anh năm ngoái, Nga đã tạo ra một chương trình huấn luyện cá heo phát hiện và “chống lại” thợ lặn của đối phương tại tại căn cứ hải quân Sevastopol Black Sea ở Crimea.
Cá heo được biết đến là một trong những loài động vật thông minh nhất thế giới. Nhưng mèo cũng được cho là thông minh.
Vào những năm 1960, CIA đã phát triển một dự án khác có tên là Chiến dịch Mèo âm thanh, gắn micrô vào tai mèo để bí mật ghi lại các cuộc trò chuyện gần các nhà ngoại giao và điệp viên Liên Xô. Chương trình này cuối cùng đã bị hủy bỏ vào năm 1967, tiêu tốn 20 triệu USD
Một hoạt động phổ biến trong nghề gián điệp là để lại tin nhắn hay tài liệu ở nơi bí mật. Trong Chiến tranh Lạnh, CIA đã đề xuất sử dụng chuột chết để giấu tài liệu vì ai cũng không muốn đến gần.
Nhưng có lẽ thành công hơn cả vẫn là chim bồ câu. Trước khi có các thiết bị nghe lén tinh vi và máy ảnh gián điệp thu nhỏ, chim bồ câu đưa thư đáp ứng nhu cầu truyền thông tin bí mật qua những khoảng cách xa
Trong Thế chiến II, một chương trình gián điệp rất thành công do tình báo Anh thực hiện là sử dụng chim bồ câu đưa thư thu thập thông tin tình báo về các hoạt động quân sự của Đức và các vị trí quân sự nhạy cảm.
Tình báo Anh đã thả 16.000 con bồ câu đưa thư trên khắp châu Âu do Đức Quốc xã chiếm đóng, từ Bordeaux, Pháp đến Copenhagen, Đan Mạch từ năm 1941 đến 1944. Thật kinh ngạc, chúng đã chuyển khoảng 1.000 thông điệp trở về London
Theo các tài liệu đã giải mật, Chiến dịch Tacana của CIA vào những năm 1970 cũng đã thả chim bồ câu được gắn máy ảnh thu nhỏ vào Liên Xô để chụp ảnh các địa điểm nhạy cảm.
Nhìn chung, các loài chim cũng đã truyền cảm hứng cho công nghệ gián điệp. Vào tháng 8-2024, Trung Quốc đã công bố một máy bay không người lái do thám quân sự được ngụy trang thành một con chim.