"Thương vụ được đề xuất sẽ cải thiện năng lực tác chiến không đối không và không đối đất của Phần Lan, đồng thời tác động tích cực đến quan hệ của Mỹ với các quốc gia khu vực Bắc Âu", Lầu Năm Góc thông báo ngày 28/11/2022.
Quyết định duyệt bán 40 tên lửa không đối không AIM-9X và 48 bom dẫn đường AGM-154, trị giá 323 triệu USD, được Mỹ đưa ra hơn 6 tháng sau khi Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO cùng Thụy Điển.
Lầu Năm Góc cho biết, thương vụ tên lửa với Phần Lan sẽ "hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách cải thiện an ninh của một đối tác đáng tin cậy, một lực lượng quan trọng cho ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Âu".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt khả năng bán số vũ khí nói trên cho Phần Lan. Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng của Lầu Năm Góc ngày 23/11 trình các thông tin cần thiết lên Quốc hội Mỹ.
Các nghị sĩ Mỹ vẫn cần ký thông qua thương vụ, song động thái này được nhận định có thể chỉ mang tính hình thức.
AGM-154 JSOW (Joint Standoff Weapon) là vũ khí dẫn đường chính xác cao tấn công mục tiêu ngoài tầm tác chiến phòng không của đối phương, được trang bị cho Không quân và Hải quân Mỹ.
Mặc dù mang kiểu dáng của một quả tên lửa hành trình nhưng AGM-154 được xếp vào dạng bom liệng - vũ khí nổ phá không cần động cơ, nó thay đổi các đặc điểm bề mặt khí động để thay đổi đường bay so với đường đạn đạo.
AGM-154 nếu được phóng ở tầm cao có thể đạt tầm bắn lên tới 130 km, còn phóng ở tầm thấp thì đạt cự ly chỉ 22 km.
Nó có thể mang phóng trên các máy bay tiêm kích F/A-18, F-16, F-15, F-35 và máy bay ném bom chiến lược B-1B, B-2, B-52H.
AGM-154 dài 4,1 m, đường kính thân 330 mm, sải cánh 2,69 m, trọng lượng 483-681 kg.
Nó có thể mang nhiều kiểu đầu đạn khác nhau gồm: Đầu đạn chứa 145 quả bom con BLU-97/B hoặc chứa một quả bom BLU-111/B.
AGM-154 cũng có thể trang bị một đầu đạn đa tầng BROACH thích hợp để xuyên phá mục tiêu kiên cố như xe tăng, thiết giáp, công sự phòng ngự.
Hoặc loại đầu đạn chứa 6 đạn con BLU-108/B, mỗi đạn coi lại chứa 4 quả đạn nhỏ lắp cảm biến hồng ngoại tự do mục tiêu.
Loại đạn này khi được thả xuống sẽ tự phát hiện mục tiêu, và phát nổ trên không tạo luồng xuyên chọc thủng vỏ thép xe tăng, thiết giáp.
AGM-154 JSOW được dẫn bằng hệ thống quán tính INS và hệ thống định vị toàn cầu GPS, nó có khả năng hoạt động trong điều kiện ngày/đêm và thời tiết bất lợi.
Biến thể AGM-154C được trang bị bộ cảm biến hồng ngoại để tìm kiếm mục tiêu trong giai đoạn cuối.
AGM-154 được chấp nhận đưa vào trang bị sớm hơn 1 năm so với kế hoạch và quá trình phát triển không gặp bất cứ khó khăn về kỹ thuật nào.
Sự ra đời của loại vũ khí này đã cho phép Không quân và Hải quân Mỹ có thêm một vũ khí đắc lực trong các chiến dịch áp chế phòng không của đối phương.
Những biến thể đời đầu của AGM-154 JSOW đã được sử dụng trong chiến dịch đánh bom Iraq năm 1998 với tên mã "Cáo sa mạc", chiến dịch không kích Kosovo năm 1999, chiến dịch "Tự do bền vững" ở Afghanistan năm 2001, chiến dịch "Tự do cho Iraq" năm 2003.
Trải qua các cuộc chiến này, AGM-154 đã chứng minh là một vũ khí cực kỳ hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.
Trải qua các cuộc chiến này, AGM-154 đã chứng minh là một vũ khí cực kỳ hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.