Bộ Ngoại giao Mỹ tìm kiếm S-300 trên khắp thế giới để giao cho Ukraine

ANTD.VN - Trong nỗ lực tăng cường phòng không cho Kiev, đã ghi nhận nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ tìm kiếm S-300 khắp nơi để viện trợ cho Ukraine.

Truyền thông quốc tế cho biết, sau khi nhận lời kêu gọi tăng cường phòng không cho Kiev nhằm "giữ vững bầu trời", lập tức Bộ Ngoại giao Mỹ tìm kiếm S-300 trên khắp thế giới để giao cho Ukraine.

Trong bối cảnh các thành viên của Hội đồng Nghị viện thuộc Hội đồng Châu Âu (PACE) chính thức tổ chức bỏ phiếu và theo đa số phiếu quyết định loại Nga khỏi PACE, đã có một diễn biến mới rất đáng quan tâm.

Truyền thông quốc tế cho biết rằng PACE đã bắt đầu kêu gọi cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không tối tân thay vì chỉ là các tổ hợp tên lửa vác vai. Ngay lập tức Nga đã lên tiếng phản đối và cho rằng điều này sẽ làm phức tạp thêm tình hình.

Theo dữ liệu được đưa ra, một số quốc gia đã kêu gọi Nghị viện của Hội đồng châu Âu cung cấp cho Ukraine những phương tiện phòng không để chống lại máy bay chiến đấu Nga.

Cách đây vài ngày tại Estonia, họ đã công bố cần phải đưa ra quyết định đóng cửa không phận Ukraine, có thể là thông qua việc chuyển giao cho Quân đội Ukraine các loại vũ khí tương ứng cho nhiệm vụ này.

Trước diễn biến trên, giới chuyên gia quân sự Nga lưu ý rằng ngay sau khi bất kỳ quốc gia nào thực hiện các bước liên quan đến việc cung cấp cho Ukraine vũ khí dưới dạng hệ thống phòng không sẽ đều gây ra những hậu quả tai hại.

Điều này sẽ gây ra một sự leo thang rất nghiêm trọng, mà phương Tây cũng hiểu rõ ràng là Nga sẽ đưa ra biện pháp trả đũa, bài học với tiêm kích MiG-29 đã qua sử dụng cũng được nhắc tới như để cảnh tỉnh.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đang tích cực tìm kiếm một quốc gia nào đang có trong biên chế các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 và sẵn sàng nhượng lại cho Ukraine.

“Bộ Ngoại giao đang làm việc để xác định những quốc gia nào có S-300 của Liên Xô và đang thăm dò khả năng chuyển giao chúng cho Ukraine”, hãng tin CNN cho biết.

Theo thông báo từ CNN, Washington sẽ bù đắp cho quốc gia sẵn sàng nhượng lại S-300 của mình cho Ukraine bằng một hệ thống tên lửa phòng không tối tân khác do mình sản xuất. Sở dĩ Mỹ không giao ngay vũ khí cho Ukraine bởi Kiev khó lòng sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Đồng thời, vẫn chưa biết Mỹ sẽ thay thế các hệ thống tên lửa phòng không ở những nước này bằng cách nào, không loại trừ khả năng họ có thể trả trực tiếp bằng tiền thay vì giao vũ khí, như vậy đây thực chất là một thương vụ mua bán.

Hệ thống phòng không S-300 được sử dụng chủ yếu ở các quốc gia Đông Âu và châu Á, tuy nhiên, dữ liệu về những nước cụ thể đang duy trì thứ vũ khí này trong thành phần tác chiến là trái ngược nhau.

Trước đó, hệ thống phòng không S-300 đang phục vụ cho Nga, Abkhazia, Azerbaijan, Armenia, Algeria, Belarus, Bulgaria, Venezuela, Việt Nam, Iran, Kazakhstan, Trung Quốc, Hy Lạp, Croatia, Syria, Slovakia và Ukraine.

Cần nhớ lại rằng Ukraine đã yêu cầu phương Tây cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ trao quyền cho Ngoại trưởng Anthony Blinken cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự lên tới 200 triệu USD.

Vào ngày 13 /3, có thông tin cho biết một gói hỗ trợ quân sự mới từ Mỹ liên quan đến việc cung cấp các hệ thống chống tăng và phòng không, cũng như vũ khí nhỏ cho Ukraine.