Bên trong cơ sở xử lý người di cư của Italia vừa khai trương ở nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đầu tuần qua, Hải quân Italia đã bắt đầu chuyển người di cư đến một trung tâm mới ở Albania, báo hiệu sự khởi đầu của một mô hình được nhiều nước châu Âu háo hức theo dõi. Bên trong cơ sở mới xây dựng này thế nào và nó sẽ tạo ra kỳ vọng gì?

Từ tuần qua, lần đầu tiên ở châu Âu, những người di cư và tị nạn từ Bắc Phi cố gắng vượt qua Địa Trung Hải sẽ bị chặn lại và đưa đến cảng Shengjin ở phía Bắc Albania. Kế hoạch kéo dài 5 năm này sẽ tiêu tốn khoảng 670 triệu euro. Tháng 11-2023, Italia và Albania là 2 nước đầu tiên ở châu Âu ký thỏa thuận, trong đó một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ chuyển hướng những người tị nạn đến một quốc gia ngoài EU, nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Trung tâm di cư mới của Italia ở Albania bắt đầu đi vào hoạt động tuần qua

Trung tâm di cư mới của Italia ở Albania bắt đầu đi vào hoạt động tuần qua

Sàng lọc người tị nạn ngoài biên giới

Trong chuyến tham quan gần đây do Bộ Ngoại giao Italia tổ chức, các phóng viên đã được chứng kiến những dãy cabin mới dành cho lực lượng an ninh và một trung tâm giam giữ rộng lớn với hàng rào dây thép cao 6m trên cảng Shengjin (Albania). “Chúng tôi đã sẵn sàng để đi vào hoạt động. Dù con số là 50 hay 500 người, chúng tôi đều có thể xử lý được” - một cảnh sát Italia cho biết.

Theo thỏa thuận do Italia tài trợ, 3 cơ sở chính thức được mở tại Albania gồm 1 trung tâm có sức chứa 880 người tị nạn, 1 trung tâm tiền trục xuất (được gọi là CPR) với sức chứa 144 người và 1 cơ sở giam giữ nhỏ với sức chứa 20 người. Các cơ sở này do Italia điều hành, đội bảo vệ Albania có nhiệm vụ đảm bảo an ninh bên ngoài. Đợt đưa người tị nạn đầu tiên của Hải quân Italia đến cảng Shengjin là hôm 16-10. Ngay trong giai đoạn sàng lọc, những người được đưa đến Albania đều là nam giới độc thân và là công dân các quốc gia đủ điều kiện an toàn để họ hồi hương. Trong khi đó, phụ nữ, trẻ em, người có biểu hiện bị bệnh thì được đưa đến đảo Lampedusa ở phía Nam Italia. Sau khi tàu cập cảng, họ được dẫn đến cơ sở tiếp nhận ban đầu với hàng rào được xây dựng ngay trên bến tàu. Người di cư sẽ được kiểm tra sức khỏe, phát quần áo sạch, cung cấp đồ ăn, sau đó chụp ảnh, lấy dấu vân tay. Những người này được đưa lên xe buýt đi sâu vào Albania đến 1 trong 2 trại lớn hơn. Tại đó, họ được bố trí ngủ trong khu lắp ghép, có giường, ghế và tủ quần áo trong khi chờ đơn xin tị nạn được giải quyết. Những người được xếp vào diện tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc đàn áp sẽ được đưa bằng máy bay đến Italia để bắt đầu cuộc sống mới ở EU. Còn lại, ở trung tâm tiền trục xuất, người bị từ chối hưởng quy chế tị nạn sẽ được chuyển đến một khu vực an ninh cao hơn và hồi hương trong vòng 3 tháng. Đối với bất kỳ người di cư nào phạm tội, sẽ có một nhà tù nhỏ với các phòng giam dành cho họ.

Lực lượng an ninh Italia và nhóm người di cư đầu tiên đến cảng Shengjin, Albania theo thỏa thuận chưa từng có ở châu Âu

Lực lượng an ninh Italia và nhóm người di cư đầu tiên đến cảng Shengjin, Albania theo thỏa thuận chưa từng có ở châu Âu

Theo thỏa thuận, tổng số người di cư có mặt tại Albania cùng một thời điểm không được quá 3.000 người. Các cơ sở ở Albania cũng sẽ xử lý tối đa 36.000 người di cư mỗi năm. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho biết, lực lượng chức năng ở cảng Shengjin sẽ cố gắng xử lý các yêu cầu xin tị nạn trong vòng 28 ngày, nhanh hơn nhiều so với thời gian xử lý trong nước. Họ cũng sẽ chỉ xử lý đơn xin tị nạn của những người đến từ các quốc gia được Italia xác định là “an toàn”, trong đó danh sách gần đây đã mở rộng từ 15 quốc gia lên 21 quốc gia. Năm ngoái, chỉ tính riêng 4 nước trong danh sách này là Bangladesh, Ai Cập, Bờ Biển Ngà và Tunisia đã có 56.588 người di cư đến Italia. Hầu hết bỏ trốn khỏi các trung tâm tiếp nhận và đi đến miền Bắc châu Âu giàu có hơn.

Mô hình có thể nhân rộng

Thủ tướng Giorgia Meloni tuần qua cho biết, đất nước của bà đang làm gương cho phần còn lại của châu Âu với chương trình trại tị nạn mới ở Albania. Bộ trưởng Nội vụ Matteo Piantedosi phát biểu trước Quốc hội ở Rome rằng, 15 quốc gia châu Âu bày tỏ quan tâm đến chương trình này. Ông cho rằng, đó là bằng chứng lớn nhất về giá trị của sáng kiến nhằm chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp mà không ảnh hưởng đến việc đảm bảo các quyền cơ bản của người dân.

Căng thẳng về các vấn đề di cư gia tăng đã khiến nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Đức và Ba Lan, đề xuất hoặc áp dụng các chính sách cứng rắn hơn. Chính phủ tiền nhiệm của Anh cũng từng lên kế hoạch trục xuất những người xin tị nạn đến từ Rwanda, mặc dù Thủ tướng Keir Starmer đã hủy bỏ kế hoạch này sau khi nhậm chức vào tháng 7.

Tuy nhiên, kế hoạch này được triển khai trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi. Các nghị sĩ đối lập ở Italia đặt câu hỏi về tính hợp pháp của nó và gọi cơ sở này là “Guantanamo của Italia”. Các nhóm nhân đạo đặt câu hỏi, liệu có thể đánh giá những người di cư nhanh chóng như vậy hay không khi các cơ sở tiếp nhận khác đều phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để làm công việc tương tự. Trong khi đó, tổ chức nhân đạo của Đức mang tên Sea Watch (chuyên giải cứu người di cư ở Địa Trung Hải) đã cáo buộc Italia đã chi “hàng trăm triệu euro tiền thuế của người dân để trục xuất và giam giữ hàng nghìn người di cư ở Albania. Có lẽ tiền thuế của người Italia sẽ được chi tiêu tốt hơn để chào đón những người di cư, thay vì xua đuổi họ”.

Tàu hải quân Libra chở người di cư đến Albania theo một thỏa thuận dự kiến xử lý hàng nghìn người di cư bị bắt ngoài khơi Italia

Tàu hải quân Libra chở người di cư đến Albania theo một thỏa thuận dự kiến xử lý hàng nghìn người di cư bị bắt ngoài khơi Italia

Về phần mình, ông Edi Rama - Thủ tướng Albania đang tỏ ra e dè về việc liệu các quốc gia khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh, có đề nghị một thỏa thuận di cư ngoài khơi tương tự hay không. Ông Edi Rama cho biết, ông đồng ý với đề nghị của Rome vì mối quan hệ lịch sử và văn hóa chặt chẽ với người Italia và mô hình “có thể sao chép được”, như lời ông nói với tờ La Repubblica của Italia hôm 13-10.

Ở góc phía Bắc Albania này, không xa biên giới với Montenegro, nhiều người dân địa phương hoan nghênh chương trình xử lý người di cư đã đem lại việc làm và nguồn đầu tư cho họ, nhưng cũng có người khác phản đối. Anh Albi (28 tuổi) nói: “Theo tôi, điều này không tốt cho Albania. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ. Sẽ có quá nhiều người di cư mà chúng tôi không thể xử lý. Nhưng tôi hiểu lý do tại sao chính phủ lại làm như vậy, đó là vì chúng tôi đang cố gắng gia nhập EU. Chúng tôi đang trợ giúp châu Âu”. Còn Ardi (33 tuổi), vốn là một kế toán cho biết: “Tôi nghĩ, đối với những người di cư, đây sẽ là một trải nghiệm rất khó khăn. Các cơ sở trông giống như nhà tù và họ bị nhốt bên trong. Là người Albania, chúng tôi thực sự không liên quan gì đến chuyện này. Tất cả đều do người Italia tổ chức”.

Hôm 16-10, một nhóm nhỏ người biểu tình đã tụ tập tại cảng nhằm phản đối sáng kiến này. Theo họ, những người nhập cư đã thực hiện chuyến đi dài và nguy hiểm, thậm chí đã bán hết tài sản của mình để đến châu Âu, nhưng họ lại bị chuyển hướng sang Albania để rồi bị trục xuất về quê hương. “Giấc mơ châu Âu kết thúc tại đây” - một biểu ngữ viết.