Bất ngờ lớn: Mỹ muốn đưa tiêm kích tàng hình F-22 lên hàng không mẫu hạm

ANTD.VN - Tiêm kích tàng hình F-22 là chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không tốt nhất thế giới, tuy nhiên có một điều nó không thể làm được chính là cất hạ cánh từ tàu sân bay.

Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor được đưa vào phục vụ trong thành phần tác chiến của Không quân Mỹ (USAF) từ năm 2005, đây là kết quả từ một quá trình nghiên cứu phát triển lâu dài và tốn kém.

Bắt nguồn từ chương trình Máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến của USAF, F-22 Raptor được thiết kế để áp đảo các tiêm kích hàng đầu của Liên Xô bao gồm Su-27 Flanker và MiG-29 Fulcrum.

Cụ thể vào những năm cuối của Chiến tranh Lạnh, USAF nhận thấy rằng những ưu thế của họ trước đối phương không thể giữ vững trong tương lai gần nếu thiếu một máy bay chiến đấu ưu việt hơn.

F-22 Raptor đáp ứng yêu cầu trên, nó là chiếc chiến đấu cơ vượt trội tất cả nhờ vào diện tích phản xạ radar (RCS) thấp, cho phép máy bay không bị phát hiện. Trên thực tế, RCS của F-22 nhỏ hơn khoảng 5 đến 10 lần so với F-35.

Ngoài năng lực tấn công tầm xa, động cơ phản lực cánh quạt F119 có khả năng thay đổi vector lực đẩy hai chiều (2D TVC), mang lại cho phi công lái F-22 lợi thế đáng kể trong các trận không chiến tầm gần. Khung thân lớn của F-22 cung cấp tới 3 khoang vũ khí bên trong.

Sức mạnh ghê gớm của Raptor đã khiến Quốc hội Mỹ gây áp lực buộc Hải quân Mỹ (USN) xem xét chế tạo phiên bản hạm tàu theo chương trình Máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến của hải quân (NATF).

Trong khi đó, USN coi NATF là một giải pháp thay thế có chi phí thấp hơn để phát triển chiến đấu cơ trên tàu sân bay dành riêng cho lực lượng này.

USAF cũng đồng ý đánh giá một phiên bản sửa đổi của oanh tạc cơ tàng hình trên hạm được phát triển theo chương trình Máy bay Chiến thuật Tiên tiến (ATA) của Hải quân Mỹ, để thay thế chiếc F-111 đã già cỗi của chính họ.

Phương thức hợp tác này sẽ tạo ra một loại máy bay chiến đấu chung giữa Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ, tương tự chương trình Máy bay chiến đấu tiến công kết hợp F-35 Lightning II.

Tuy nhiên đến năm 1991, kế hoạch chế tạo oanh tạc cơ trên hạm FB-22 dựa trên F-22 đã bị hủy bỏ chủ yếu vì lý do kỹ thuật và ngân sách. Việc biến Raptor thành máy bay ném bom sẽ tác động đáng kể đến tải trọng và phạm vi hoạt động của khung chiến đấu cơ.

Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng bán kính chiến đấu 965 km của Raptor “chưa đủ xa để một oanh tạc cơ thâm nhập sâu mà không phụ thuộc vào máy bay tiếp dầu khi tiến vào không phận thù địch”.

Ngoài ra Raptor chỉ có thể mang 4 quả bom đường kính nhỏ trong khoang vũ khí của nó. Bất kỳ loại đạn hàng không nào treo dưới cánh sẽ làm giảm khả năng tàng hình của máy bay.

Các kỹ sư cũng vật lộn với cách kết hợp thiết kế "cánh cụp", tương tự F-14 Tomcat vào FB-22. Bảo trì loại kết cấu này cực kỳ tốn kém và ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của chiến đấu cơ.

Mặc dù ý tưởng phát triển oanh tạc cơ FB-22 để triển khai trên tàu sân bay thực sự đáng chú ý, nhưng phương tiện này có lẽ không làm thay đổi khả năng tổng thể của các nền tảng tàu sân bay hiện tại trong Hải quân Mỹ.

Yếu tố nữa là Không quân Mỹ chỉ mua 187 chiếc F-22, ít hơn hàng trăm chiếc so với dự kiến ​​ban đầu. Việc Washington chuyển hướng sang cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và tiếp tục phát triển các nền tảng rẻ hơn đã khiến nhu cầu đối với Raptor bị sụt giảm mạnh.