Báo Anh: NATO có thể tự tan rã do hành động của Nga

ANTD.VN - Hành động từ phía Nga đã chứng tỏ sự vô nghĩa của NATO khi khối quân sự này còn tồn tại, phân tích trên được trình bày bởi các nhà báo Anh.

Cuối năm 1989, Chiến tranh Lạnh kéo dài vài thập kỷ chính thức được công bố trên đà kết thúc. Điều này đã được thông báo bởi Tổng thống Mỹ George W. Bush và người đồng cấp của Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev.

Theo các nhà phân tích Anh, sau khi Liên Xô tan rã, các nước phương Tây phải tìm kiếm kẻ thù mới cho Liên minh quân sự NATO - vốn được thành lập để chống lại Liên bang Xô Viết, ấn phẩm Middle East Monitor đăng tải.

Các nhà phân tích của tờ Middle East Monitor lưu ý: “Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Khối Hiệp ước Warsaw không còn tồn tại, nhưng NATO vẫn duy trì hoạt động của mình”.

Sau đó phương Tây chuyển hướng, coi chủ nghĩa khủng bố quốc tế là kẻ thù chính của NATO, nhưng sau cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan năm 2001, rõ ràng ý tưởng trên đã không còn biện minh cho bản thân và Liên minh này lại "cần" một đối trọng mới.

Nga đã trở thành đích ngắm chính như một sự thay thế, nhưng điều đó cũng không còn đủ sức nặng để giải thích cho sự cần thiết của việc duy trì sự tồn tại của NATO.

Trong vài năm qua, các quốc gia thành viên NATO đã có một số lý do để gây áp lực quân sự đúng nghĩa lên Nga, tuy nhiên điều này đã không được thực hiện một cách triệt để.

Cuộc chiến ở Gruzia và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea trôi qua mà không có phản ứng đủ mạnh nào từ các quốc gia phương Tây được xem là đồng minh của Tbilisi và Kiev.

Hơn nữa, Moskva gần đây đã hoàn thành lắp đặt đường ống Nord Stream 2, họ có kế hoạch cung cấp khí đốt tự nhiên trực tiếp, bỏ qua cơ sở trung chuyến trên đất Ukraine. Tất cả những điều này làm suy yếu đáng kể ảnh hưởng của NATO trên thế giới, cũng như vai trò của Mỹ trong tổ chức.

Gần đây, ngày càng thường xuyên, người ta đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì NATO, tổ chức đã đứng trước bờ vực sụp đổ và đang giữ nhiều vai trò hơn so với những nhiệm vụ ban đầu khi được thành lập.

Ngày nay, một bản đồ mới về các cường quốc trên thế giới đang được hình thành. Nhận định trên thấy rõ qua ví dụ về Nga và Trung Quốc, hai nước đang xích lại gần nhau hơn để chống lại quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Phe thứ hai chống lại nền tảng này, đang cố gắng thành lập một liên minh mới, nơi họ muốn có sự tham gia của các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Có hai phe mới trên thế giới, và hầu như không có chỗ cho NATO.

“Phe phía Đông do Trung Quốc và Nga dẫn đầu, trong khi phe của Mỹ với các liên minh của họ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong khi đó, châu Âu đang bối rối và cố tìm kiếm vị trí của mình giữa hai phe”, Middle East Monitor nói thêm.

Những rạn nứt trong nội bộ NATO liên quan đến mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ, hay sự "giận dỗi" của Pháp vì mất hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia cũng đe dọa không nhỏ đến sự tồn tại của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Nếu 3 quốc gia Anh - Pháp - Đức xúc tiến thành lập quân đội chung của châu Âu để tránh bị thao túng bởi nước Mỹ thì gần như chắc chắn vai trò của NATO sẽ kết thúc.