[ẢNH] Trung Quốc mang vũ khí mạnh sau bom hạt nhân lên sát biên giới Ấn Độ tập trận

ANTD.VN - Từ lâu, pháo phản lực phóng loạt được liệt vào loại vũ khí có sức công phá chỉ sau bom hạt nhân, việc Trung Quốc mang pháo phản lực PHL-11 tập trận sát biên giới Ấn Độ cho thấy động thái cứng rắn của Bắc Kinh trước New Delhi.

Một đơn vị pháo binh thuộc Bộ Tư lệnh Tân Cương của quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập bắn đạn thật bằng hệ thống pháo phản lực phóng loạt PHL-11 mới được biên chế. Cuộc diễn tập được tổ chức tại một địa điểm ở độ cao 4.500 m trên dãy Karakorum, sát biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Trung Quốc sử dụng hệ thống điều khiển điện tử điều chỉnh dàn pháo PHL-11, lấy phần tử bắn và khai hỏa đồng loạt. Các binh sĩ Trung Quốc còn huấn luyện khoa mục nạp đạn, triển khai và thu hồi tổ hợp PHL-11 sau khi khai hỏa.

Đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới nổ ra hồi đầu tháng 5/2020, lên tới đỉnh điểm vào giữa tháng 6/2020 với vụ ẩu đả khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Hai nước điều lực lượng tăng viện lên khu vực biên giới và tiếp tục đối đầu lẫn nhau suốt vài tháng gần đây.

Tuy nhiên Ấn Độ và Trung Quốc đẵ có động thái hạ nhiệt bằng cách tổ chức nhiều vòng đàm phán ở khu vực biên giới, sau đó cùng nhau rút một phần lực lượng gần khu vực biên giới hồi tháng 4-2021.

Song hai nước nghi ngờ lẫn nhau và vẫn duy trì khoảng 100.000 binh sĩ dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định giữa hai bên. Gần đây phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường các loại vũ khí có sức sát thương lớn, đơn cử như pháo phản lực phóng loạt hiện đại PHL-11.

Rất dễ nhận thấy rằng PHL-11 là phiên bản nâng cấp của hệ thống Type 81, trong khi Type 81 lại sao chép từ BM-21 Grad nổi tiếng của Liên Xô.

Vai trò chính của hệ thống pháo phản lực phóng loạt này là tham gia tấn công các mục tiêu trên một khu vực rộng lớn, chẳng hạn như nơi tập trung quân và thiết bị, sân bay, sở chỉ huy và các đối tượng quan trọng khác.
Đặc điểm nổi bật của PHL-11 đó là giàn phóng của nó có kết cấu module tiên tiến với 2 container chứa 20 đạn rocket dạng rời, cho tốc độ tái nạp rất nhanh chóng (chỉ khoảng 10 phút) và còn trang bị được nhiều loại đạn khác nhau.
Rocket trang bị cho PHL-11 được tích hợp nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm đạn nổ mảnh HE-FRAG, đạn khói, đạn gây cháy và chiếu sáng.
Ngoài ra còn có đầu đạn chùm mang đạn con chống tăng hoặc chống bộ binh. Hệ thống có thể bắn hết 40 rocket trong thời gian 20 giây.
Tầm bắn tối đa đối với đạn rocket mới được phát triển lên tới 50 km, sắp tới PHL-11 còn được bổ sung cả loại đạn dẫn đường chính xác cao có cánh mũi, được điều khiển thông qua hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu hoặc GPS.
Khung gầm tiêu chuẩn của pháo phản lực phóng loạt PHL-11 là xe tải việt dã Shaanxi SX2190KA sử dụng động cơ diesel tăng áp công suất máy 350 mã lực, tốc độ lớn nhất mà xe đạt được trên đường nhựa là 90 km/h, tầm hoạt động 600 km.
Xe mang phóng tự hành có khả năng leo dốc 60%, đi trên mặt phẳng nghiêng 30%, vượt vật cản thẳng đứng cao 0,6 m; băng qua hào rộng 0,6 m và lội nước sâu 1,2 m.
Kíp điều khiển bao gồm 5 người và có thể thực hiện thao tác bắn từ xa nhằm tránh rủi ro của việc phản pháo từ đối phương.
Nhờ thời gian phản ứng rất nhanh, tầm bắn xa, độ chính xác cao và uy lực mạnh, pháo phản lực phóng loạt PHL-11 tỏ ra là một loại vũ khí hiệu quả của quân đội Trung Quốc.
Ngoài sử dụng trong nước, pháo phản lực phóng loạt PHL-11 cũng được Trung Quốc xuất khẩu, Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên biên chế hệ thống này.
Với việc triển khai PHL-11 và diễn tập bằng đạn thật của Trung Quốc sát biên giới, các chuyên gia phân tích cho rằng rất có thể Ấn Độ sẽ có hành động đáp trả bằng việc triển khai các loại vũ khí tương đương. Nguy cơ xung đột cục bộ giữa hai cường quốc châu Á này vẫn tiềm ẩn khó lường.