[ẢNH] Triều Tiên trưng bày tên lửa siêu thanh với công nghệ vượt xa Mỹ

ANTD.VN - Tên lửa siêu thanh Hwaseong-8 đã được Triều Tiên giới thiệu tại cuộc Triển lãm thành tựu công nghiệp quốc phòng tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Loại vũ khí hiện đại này cùng với nhiều mẫu thiết bị quân sự khác do Triều Tiên sản xuất hiện đang được trưng bày tại Triển lãm thành tựu phát triển nền quốc phòng của nhà nước mang tên “Tự vệ 2021”, vừa khai mạc tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Sự xuất hiện của Hwaseong-8 khẳng định những tuyên bố trước đó rằng nó là tên lửa đạn đạo với đầu đạn dạng tàu lượn siêu thanh. Vũ khí trên có bề ngoài rất giống với DF-17 đang phục vụ trong quân đội Trung Quốc.

Điểm khác biệt chính ở chỗ DF-17 là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn, trong khi Triều Tiên quyết định sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung với động cơ nhiên liệu lỏng, đây bị xem là một hạn chế của họ

Tuy nhiên Hwaseong-8 là minh chứng cho sự đột phá trong việc tạo ra những vũ khí tiên tiến nhất. Với thực tế trên, Triều Tiên hiện đã đi trước Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vũ khí siêu thanh.

Triển lãm cũng trình diễn các loại tên lửa đạn đạo khác nhau, bao gồm tên lửa phóng từ dưới nước, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa mới nhất và xe tăng chiến đấu chủ lực trông giống như T-14 Armata của Nga.

Quay lại với tên lửa Hwaseong-8, cần nhấn mạnh vũ khí siêu vượt âm chiến lược được quan niệm như một tên lửa đạn đạo mang theo dạng đầu đạn đặc biệt có độ cơ động cực cao.

Đầu đạn này vẫn được phóng đi bằng tên lửa đẩy thông thường và chỉ khi lên tới tầng cao của bầu khí quyển thì nó mới tách ra rồi thực hiện chế độ bay linh hoạt để tiếp cận mục tiêu.

Tính năng đáng chú ý nhất của đầu đạn thông thường đó là nó hầu như chỉ dựa vào tốc độ cực cao (lên tới Mach 8 - 10) để vượt qua hàng rào phòng thủ của đối phương.

Một số loại đầu đạn tiên tiến hơn được tích hợp thêm khả năng thay đổi quỹ đạo hạn chế trong khi bay nhằm vô hiệu hóa thuật toán nội suy điểm chạm để đưa tên lửa đánh chặn lên đón đầu.

Tuy nhiên khả năng vận động của chúng vẫn khá hạn chế với quỹ đạo tương đối đơn giản, không thay đổi được hướng đi nhiều lần, dẫn tới việc vẫn có thể bị phá hủy nếu phía phòng thủ bắn nhiều tên lửa đánh chặn cùng lúc.

Trong khi đó đầu đạn siêu vượt âm dạng tàu lượn lại khác hẳn, nó có khả năng cơ động linh hoạt chẳng kém gì một chiếc máy bay di chuyển ở tốc độ cực cao với quỹ đạo được điều khiển từ xa.

Trước thực tế trên, đối phương sẽ không thể dự báo hay nội suy điểm chạm của đầu đạn để bố trí đánh chặn, từ đó gia tăng thách thức đối với hệ thống phòng thủ.

Có thông tin cho biết vũ khí siêu vượt âm của Triều Tiên còn được tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI), giúp nó tự động đánh giá những mối hiểm họa để lẩn tránh khỏi vùng phòng không của đối phương.

Nếu những gì được giới thiệu là chính xác, thì Triều Tiên đã vượt xa Mỹ, khi Washington theo nhận xét còn khá lâu nữa mới có thể đưa một loại vũ khí tương tự vào biên chế.

Mặc dù vậy cũng xuất hiện không ít ý kiến cho rằng chưa thể khẳng định vũ khí của Triều Tiên đã đạt tới tình trạng sẵn sàng chiến đấu, có thể đây chỉ đơn giản là mô hình triển lãm.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng đặt câu hỏi liệu có phải Trung Quốc đã cung cấp công nghệ DF-17 để Triều Tiên tạo ra Hwaseong-8, hay Bình Nhưỡng chỉ đơn giản là sao chép bề ngoài vũ khí của Bắc Kinh.