Chiếc máy bay chiến đấu tàng hình hạng nặng nói trên được nhà sản xuất Trung Quốc khẳng định là thuộc thế hệ thứ năm, tuy nhiên không phải tất cả chuyên gia nước ngoài đều sẵn sàng công nhận J-20 thỏa mãn mọi yếu tố.
Ngoài yếu tố diện tích phản xạ radar cao, đánh giá chuyến bay trình diễn của J-20 tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải, giới quan sát cho rằng rất dễ nhận thấy tiêm kích Trung Quốc "bị thiếu động lực".
Cụ thể khi thể hiện khả năng thao diễn, chiến đấu cơ J-20 “không thể hiện được sự nhẹ nhàng”, đặc biệt khi thực hiện một số động tác nhào lộn phức tạp trên không.
Bất chấp động tác nhào lộn đã được lựa chọn sao cho những vấn đề xảy ra với chiếc máy bay không trở nên quá nổi bật, đồng thời J-20 chỉ mang trọng tải tối thiểu, tuy nhiên nhược điểm của nó vẫn chẳng thể che giấu.
Một trong những yêu cầu tối quan trong dành cho tiêm kích thế hệ năm đó là động cơ của nó phải đạt chuẩn, ngoài khả năng che giấu tín hiệu hồng ngoại thì còn phải giúp máy bay đạt tốc độ hành trình siêu âm mà không cần bật tăng lực.
Bất chấp những lời quảng cáo được Trung Quốc đưa ra, động cơ trang bị cho tiêm kích J-20 thậm chí còn chưa giúp nó thực hiện được những bài thao diễn tương đối bình thường.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù J-20 đã chính thức vào biên chế tác chiến của Không quân Trung Quốc, tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự hoàn thiện tính năng và cần nhiều thời gian nữa để đạt được mọi thông số thiết kế.
Cần lưu ý thêm, tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải, các nhà thiết kế Trung Quốc đã chính thức giới thiệu phiên bản nâng cấp của J-20 với mã định danh J-20B.
Chiếc tiêm kích này có khoang vũ khí bên trong mở rộng để tương thích tên lửa tầm xa kích thước lớn, nhưng điều này lại ảnh hưởng đến bán kính chiến đấu. Do giảm thể tích thùng nhiên liệu, phạm vi hoạt động của J-20B bị giảm khoảng 7%.
Báo chí tại Trung Quốc tin rằng đây là triển lãm hàng không cuối cùng mà J-20B xuất hiện khi chưa đươc tích hợp động cơ phản lực thế hệ mới WS-15 do chính họ chế tạo.
Các nhà phát triển tuyên bố vào cuối năm nay, tất cả mọi vấn đề với hệ thống động lực của J-20 sẽ được loại bỏ. Cụ thể là đến cuối năm 2021, lỗi mất lực đẩy của động cơ khi đạt đến nhiệt độ vận hành tới hạn sẽ được khắc phục.
Nhưng các chuyên gia quốc tế lại cho rằng khi bay trình diễn, tiêm kích J-20B đã cho thấy tất cả những điểm yếu, khiến giới chuyên môn có thêm lý do để nghi ngờ liệu nó có nên được phân loại là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hay không.
Trước thực tế trên, rất có thể trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ đặt mua một lô nhỏ Su-57 Felon từ Nga để làm mẫu đối chứng công nghệ, qua đó hoàn thiện thêm tiêm kích nội địa của mình.
Khi tiêm kích thế hệ năm còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết thì những lời tuyên bố từ Bắc Kinh về việc chế tạo chiến đấu cơ thế hệ sáu đang tỏ tương đối khá “lạc điệu”.