Không quân Israel (IAF) mới đây đã tiến hành buổi lễ chia tay các tiêm kích F-16C, có tên địa phương là Barak-1, sau khi chúng đã trải qua hàng chục năm phục vụ trong đội hình tác chiến.
Chiếc Barak-1 cuối cùng đã ngừng hoạt động vào ngày 16/7 tại Căn cứ Không quân Ovda, nằm ở phía Nam Israel, đây là nơi đóng quân của các tiêm kích F-16C trong một thời gian dài.
Tiêm kích F-16C Barak-1 của IAF là loại máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ một chỗ ngồi, quá trình loại biên chúng diễn ra một cách có hệ thống khi Không quân Israel chuyển sang sử dụng chiến đấu cơ F-35I Adir mạnh mẽ hơn nhiều.
IAF hiện có trong biên chế tổng cộng 150 chiếc F-16 với nhiều biến thể khác nhau, bao gồm 47 chiếc phiên bản huấn luyện - chiến đấu F-16D Brakeet và 97 chiếc F-16I Sufa hai chỗ ngồi được sửa đổi theo yêu cầu của riêng họ.
Không quân Israel bắt đầu nhận tiêm kích F-16C vào thập niên 1980, tổng cộng 118 máy bay thuộc phiên bản này đã được Mỹ cung cấp, vào thời kỳ đỉnh cao, phi đội Barak-1 của IAF có quy mô lên tới 81 chiếc.
Số liệu do trang Military Balance 2023 cung cấp cho biết Không quân Israel có khoảng 50 chiếc F-16C Barak-1, thực tế trên cho thấy IAF đã loại bỏ số lượng lớn chiến đấu cơ này trong khoảng thời gian tương đối ngắn.
Những chiến đấu cơ nói thu hút nhu cầu khá lớn trên thị trường vũ khí thế giới.
F-16 là dòng chiến đấu cơ có độ bền khung thân rất tốt, nếu được đại tu có thể hoạt động thêm ít nhất 2.000 giờ, tức là đủ để một lực lượng không quân nào đó lấp khoảng trống trong khi chờ đợi trang bị một loại tiêm kích cao cấp hơn.
Trong lúc này, giới chuyên môn không loại trừ khả năng Israel sẽ trả lại những tiêm kích F-16C Barak-1 này cho Mỹ để hiện đại hóa và sau đó cung cấp cho Ukraine, bởi nguồn dự trữ F-16 tại các quốc gia châu Âu là có hạn.
Việc Israel cấm xuất khẩu vũ khí trực tiếp sang những quốc gia đang có xung đột cũng không phải trở ngại, bởi về lý thuyết thì sau khi loại biên, các máy bay nói trên đã được trả lại cho Mỹ và toàn quyền sử dụng trong tay Washington.
Trường hợp đáng chú ý trong quá khứ có thể tham khảo đó là những gì xảy ra với phi đội F-16A/B Netz bị loại bỏ vào năm 2016, Israel đã bán cho công ty tư nhân Top Aces của Canada 29 chiếc vào năm 2021 để sử dụng cho mục đích huấn luyện phi công.
So sánh với F-16A/B Netz thì F-16C Barak-1 mới và có tính năng kỹ chiến thuật tốt hơn rất nhiều, cho nên sẽ thật vô lý khi nghĩ rằng chúng sẽ bị "xẻ thịt" để lấy phụ tùng.
Tuy vậy số phận hiện tại của những chiếc F-16C Barak-1 vừa được Không quân Israel cho ngừng hoạt động vẫn là ẩn số, nhiều chuyên gia quân sự đang nỗ lực tìm hiểu đích đến tiếp theo của chúng sẽ là đâu.
Trong trường hợp được nâng cấp lên chuẩn F-16E Block 70, các tiêm kích từng thuộc về Không quân Israel sẽ mang lại khả năng tác chiến đáng chú ý cho bất kỳ quốc gia nào sở hữu chúng.