Trong cuộc họp báo hôm 14/6 tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul, Tổng thống Recep Tayyip tuyên bố rằng sẽ trả đũa nếu quân đội Syria (SAA) tiếp tục những cuộc tấn công vào các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 12 điểm quan sát ở phía Tây Bắc Syria, SAA cáo buộc rằng Ankara sử dụng các trạm quan sát này để ngăn chặn bước tiến của họ khi giao tranh với phiến quân.
Sở dĩ có tình trạng trên là bởi Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có “toan tính” rõ ràng cho riêng mình ở khu vực miền Bắc Syria, khi coi đây là một trong những lợi ích cốt lõi.
Thông qua vùng giảm xung đột được xác lập tại hội nghị Astana, Thổ Nhĩ Kỳ đã xác lập được vai trò “duy trì hòa bình” ở tỉnh Idlib, hy vọng biến khu vực này thành căn cứ để bố trí một số lực lượng đối lập Syria dưới sự ủng hộ của mình.
Thực tế cũng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã dung túng và ngầm thừa nhận sự tồn tại của các nhóm vũ trang tại tỉnh Idlib, coi đây là lực lượng quan trọng để đối đầu với quân đội chính phủ Syria.
Sau khi đưa ra cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào hôm 16/6, quân đội của họ đã bắn phá các vị trí của SAA để đáp trả lại cuộc tấn công mới nhất vào một trong các trạm quan sát mà Ankara dựng xung quanh Idlib.
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quân đội Syria đã pháo kích một trong những điểm đóng quân của họ ở vùng nông thôn phía Bắc Hama gần thị trấn Murak.
Người phát ngôn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng cuộc tấn công từ phía Syria là hành động cố ý, tuy nhiên chỉ dẫn đến thiệt hại vật chất chứ không có thiệt hại về người.
Ankara nói rằng quân đội của họ đã trả đũa bằng cách tấn công các vị trí của SAA tại một địa điểm không xác định sau khi thực hiện các cuộc tham vấn cần thiết với Moskva.
Nguồn tin thân chính phủ Syria xác nhận rằng các vị trí của SAA gần thị trấn Tell Bazzam và al-Kabariyah đã bị pháo của Thổ Nhĩ Kỳ bắn phá, đồng thời cho rằng trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ gần Murak là nguồn gốc của sự việc.
Cho đến nay Moskva và Damascus chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Nga có thể sẽ tiết lộ thông tin và phát biểu chính thức về vụ việc trong vài giờ tới.
Nhưng cần phải nhìn nhận một sự thật rằng đồng minh lớn nhất của Syria là Nga đang rất ngại ngần phải đụng chạm đến quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực này.
Lý do là bởi Nga đang phụ thuộc vào Ankara trong dự án vận chuyển khí đốt tới châu Âu và cần tiếng nói ủng hộ của họ khi thực hiện các bước đi tại khu vực nóng bỏng này.
Trong tình cảnh trên, nếu quân đội Syria muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ thì họ sẽ phải tự tiến hành một mình vì chắc chắn Nga sẽ đứng ngoài và không tham chiến.
Chênh lệch cán cân quân sự rõ ràng nghiêng hẳn về phía Thổ Nhĩ Kỳ vì họ là lực lượng vũ trang lớn thứ hai trong khối NATO, trong khi quân đội Syria lại sứt mẻ nặng nề sau nhiều năm giao tranh.
Chính vì vậy có lẽ sau khi đưa ra tuyên bố phản đối thì chính bản thân quân đội Syria cũng chẳng muốn đẩy vụ việc lên mức căng thẳng hơn, nhất là khi còn đang phải tập trung cho chiến trường Idlib và Hama.