[Ảnh] Tan hoang vì chiến tranh, thành trì Idlib ở Syria lại vật lộn với khủng hoảng mới

ANTD.VN - Số ca nhiễm Covid-19 đang hoành hành tại Idlib, thành trì của quân nổi dậy ở Syria. Cuộc khủng hoảng mới này đặc biệt tàn khốc bởi đây là khu vực mà nhiều bệnh viện đã bị đánh bom và các bác sĩ, y tá đã phải bỏ đi vì một thập kỷ chiến tranh.

Tỉnh Idlib, tây bắc Syria vốn là vùng đông dân, với hơn 4 triệu người và nhiều người đã di tản khỏi vùng chiến sự dai dẳng này. Hiện số ca nhiễm Covid-19 ở tỉnh này đã lên hơn 61.000 người, với tốc độ tăng gấp đôi so với 1 tháng trước.

Trong những tuần gần đây, mỗi ngày Idlib liên tục có thêm 1.500 ca mắc mới, và đây chưa phải là thống kê đầy đủ. Trong ảnh là cảnh trong Bệnh viện Hiệp hội Y khoa Mỹ Syria ở Idlib hôm 20-9

Các nhân viên cứu hộ Mũ bảo hiểm trắng, vốn chuyên hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân các vụ đánh bom trước đây, giờ chủ yếu là giúp đưa bệnh nhân Covid-19 đến viện hoặc chôn người chết.

“Những gì đang xảy ra là một thảm họa y tế”, Hiệp hội bác sĩ Idlib đánh giá khi đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ từ các nhóm viện trợ quốc tế.

Idlib phải trải qua tất cả những thách thức mà thế giới phải đối mặt trong thời kỳ đại dịch: Các đơn vị chăm sóc đặc biệt kín chỗ, thiếu các xét nghiệm và ôxy y tế trầm trọng, trong khi việc triển khai tiêm chủng diễn ra chậm chạp.

Nhưng nghèo đói cùng cực và sức tàn phá của cuộc nội chiến ở Syria đã khiến tình hình ở Idlib trở nên khủng khiếp hơn nhiều: Một nửa số bệnh viện và trung tâm y tế đã bị hư hại vì bom, và hệ thống y tế gần như sụp đổ ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.

Hàng chục nghìn cư dân Idib đang sống trong các khu lều ở các trại định cư, nên giãn cách xã hội hay rửa tay thường xuyên là điều không thể thực hiện được.

Phần lớn tỉnh Idlib và Aleppo lân cận vẫn nằm trong tay phe vũ trang đối lập của Syria, do các nhóm cực đoan kiểm soát. Nhưng đợt dịch bùng phát cũng xảy ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng nghiêm trọng nhất trong 18 tháng qua

Trong những tuần gần đây, các cuộc không kích và pháo kích của quân chính phủ đã khiến rất nhiều người thiệt mạng hoặc bị thương.

Để ngăn ngừa đại dịch, nhóm nổi dậy điều hành Idlib đã đóng cửa một số chợ, buộc các nhà hàng chỉ phục vụ mang về và trì hoãn việc mở cửa trường học một tuần.

Nhưng hầu hết cư dân là những người lao động hàng ngày, họ không thể trụ nổi nếu ngừng hoạt động, khiến cho việc phong tỏa hoàn toàn là điều không thể.

Hơn nữa, với những người đã phải chịu đựng quá nhiều vì kẹt giữa giao tranh, họ thường quá mệt mỏi để tuân theo những hạn chế được đưa ra.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng đã diễn ra chậm chạp, mặc dù Idlib nhận được khoảng 350.000 liều vaccine Trung Quốc vào đầu tháng này.

Tại bệnh viện al-Ziraa, bác sĩ Muhammad Abdullah nói rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm.

Nhưng đối với một số cư dân Idlib, nhiễm virus chưa phải là nỗi lo lắng nhất. “Chúng tôi đã phải trải qua những tình huống còn kinh hoàng hơn cả đại dịch. Chúng tôi không sợ virus”, một cư dân nói.