Trong vài ngày qua, vấn đề thời sự thu hút nhiều sự quan tâm nhất có lẽ chính là việc Không quân Israel lại thực hiện thành công vụ oanh kích vào sân bay quốc tế Damascus và gây ra khá nhiều thiệt hại.
Vấn đề gây thắc mắc lớn nhất đó là tại sao tổ hợp tên lửa tầm xa S-300PM cực kỳ tối tân mà Nga đã bàn giao cho Quân đội chính phủ Syria vẫn hoàn toàn im hơi lặng tiếng.
Cần lưu ý rằng trước Lễ giáng sinh, Quân đội Nga đã cho rút tất cả đội ngũ chuyên gia được cử sang Syria để giúp binh lính nước này làm chủ hệ thống phòng không tối tân.
Khi chuyên gia Nga đã được rút về nước từ là kíp trắc thủ Syria đã hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc vận hành vũ khí, họ toàn quyền bắn hạ máy bay chiến đấu Israel khi không phận bị xâm phạm.
Sau hai vụ tấn công trót lọt vào đêm 25/12/2018 và 11/1/2019 mà chẳng phải chịu bất cứ thiệt hại nào, Không quân Israel tự tin cho rằng họ thừa khả năng vô hiệu hóa S-300PM của Syria.
Ở chiều ngược lại, xuất hiện không ít nhận định cho rằng tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp phòng không S-300PM mà Nga vẫn quảng cáo là "Độc nhất vô nhị" chỉ là những lời nói quá.
Tuy nhiên ngay giữa những nghi ngờ và bão táp truyền thông đã xuất hiện một giả thuyết mới rất đáng chú ý để giải thích nguyên nhân vì sao S-300PM Syria lại chưa tham chiến.
Sau khi bàn giao các tổ hợp S-300PM cho binh lính Syria, những bức ảnh vệ tinh quân sự Israel thu được cho thấy vũ khí này vẫn ở trong trạng thái chưa được triển khai.
Quan trọng hơn, cho tới lúc này chưa có bất cứ ghi nhận nào cho thấy Quân đội Syria đã tiến hành bắn đạn thật để nghiệm thu và kiểm tra tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí.
Cần nhấn mạnh rằng bắn đạn thật là công đoạn không thể bỏ qua, chỉ khi nào phóng thành công và tiêu diệt mục tiêu giả định thì khi đó một tổ hợp tên lửa phòng không mới chính thức được xem như đã sẵn sàng chiến đấu.
Khi lực lượng phòng không Syria vẫn chưa cho S-300 bắn đạn thật thì có thể họ vẫn chưa đưa nó vào tình trạng trực chiến để sẵn sàng "đón tiếp" máy bay chiến đấu Israel.
Mặc dù vậy cũng có ngay một luồng ý kiến khác phản bác khi cho rằng quy trình trên chỉ là lý thuyết áp dụng trong thời bình, không thể máy móc mang sang thời chiến.
Nếu cho rằng S-300PM chưa trực chiến vì chưa được bắn đạn thật thì điều gì xảy ra khi tiêm kích Israel tấn công thẳng vào nó, chẳng lẽ lại vẫn nằm im chịu trận?
Hơn nữa tại sao lại phải tốn kém tiền bạc và thời gian để tập bắn mục tiêu giả định trong khi đã có sẵn đối tượng tác chiến thực sự để giúp kíp trắc thủ S-300PM Syria "luyện tay nghề".
Trên đây là hai luồng ý kiến đối lập nhau vừa được đưa ra, sẽ cần có thêm một vài thông tin cụ thể nữa để đi được tới kết luận chính xác cuối cùng của vấn đề trên.