[ẢNH] Siêu tăng T-72B3M Nga tới sát biên giới, NATO bắt đầu lo lắng

ANTD.VN -  Nga đã phản ứng trước các động thái của phương Tây bằng việc chuyển thêm xe tăng biến thể mới nhất là T-72B3M tới biên giới NATO.
Sau các hành động khiêu khích của các nước châu Âu, phía Nga đã chuyển 23 xe tăng T-72B3M mới nhất tới lãnh thổ khu vực Kaliningrad, qua đó gia tăng đáng kể sự hiện diện của nước này gần biên giới NATO.
Các xe tăng được chuyển đến vùng Kaliningrad có những đặc trưng hiện đại và khác biệt cơ bản so với các mẫu mà Ba Lan từng biết đến.
Theo các chuyên gia Nga, bằng hành động của mình, Nga đã làm suy yếu sự tự tin của Ba Lan.
"Các xe tăng mới sẽ tăng cường khả năng tập hợp quân sự của Nga, vì Ba Lan đang tích cực mua vũ khí của Mỹ. Warsaw tự hào rằng họ sẽ có những chiếc Abrams được cho là bất khả chiến bại, trong khi chúng bùng cháy như ngọn đuốc ở Iraq", chuyên gia Nga Yuri Knutov nói với PolitRussia.
"Tôi tin rằng việc điều xe tăng T-72B3M là một bước đi nghiêm túc của Nga, nhằm tăng cường khả năng quốc phòng trong khu vực", ông Yuri Knutov nhấn mạnh.
Phiên bản T-72B3 hiện đại hóa được giới thiệu vào năm 2010 với mục tiêu nâng cao khả năng chiến đấu cho xe T-72B cũ kỹ, trong bối cảnh Nga khó có ngân sách để sắm hàng nghìn siêu tăng T-14 Armata trong thời gian ngắn.
Gói nâng cấp T-72B3 cung cấp hệ thống điều khiển hỏa lực Kalina và máy tính đường đạn hoàn toàn mới cho xe tăng T-72.
Pháo thủ có thể ngắm bắn ở khoảng cách xa và chính xác hơn nhờ tổ hợp kính ngắm đa kênh, trong khi khả năng bảo vệ được tăng cường bằng các cụm giáp phản ứng nổ Kontakt-5 xếp theo cấu hình vỏ sò của xe tăng T-90A.
Khả năng tiến công của phiên bản T-72B3 cũng cải thiện rõ rệt khi được lắp hệ thống điều khiển hỏa lực Sosna-U kèm kính ảnh nhiệt của T-90MS.
Thiết bị nổi bật nhất của Sosna-U là cảm biến ảnh nhiệt Catherine-FC do tập đoàn Thales của Pháp phát triển, cho phép kíp xe T-72B3 phát hiện, nhận diện mục tiêu xe tăng từ khoảng cách 10.500 m vào ban ngày và 2.200 m ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Sosna-U cũng giúp T-72B3 sở hữu khả năng tìm - diệt (hunter-killer). Trưởng xe có thể tìm kiếm và quay pháo về phía mục tiêu, pháo thủ chỉ việc điều chỉnh đường ngắm chính xác và khai hỏa. Trong lúc đó, trưởng xe tiếp tục phát hiện mục tiêu mới.
Pháo 2A46M5 đời mới trên T-72B3 có độ chụm đạn cao hơn nhiều so với phiên bản cũ, tương đương với pháo Rheinmetall Rh-120 L/44 trên xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.
Hệ thống nạp đạn tự động nâng cấp cho phép T-72B3 sử dụng nhiều biến thể đạn APFSDS và tên lửa mới được phát triển cho T-90A.
Những chiếc T-72B3 đầu tiên vẫn sử dụng động cơ V-84-1 với công suất 840 mã lực. Tuy nhiên, các loạt xe sau này đều được lắp động cơ V-92S2F với công suất 1.130 mã lực, cho phép chúng đạt tốc độ tối đa 75-80 km/h.
Từ thành công của T-72B3, Nga đã nâng cấp tiếp lên chuẩn T-72B3M, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là là các khối giáp phản ứng nổ Kaktus lắp ở hai bên mặt sau tháp pháo, thay thế cho hộp chứa linh kiện phụ tùng xe tăng.
Phần sau tháp pháo, đuôi xe và hai bên động cơ đều được gắn giáp lồng, giúp chặn đạn nổ lõm (HEAT) hiệu quả hơn. Mặt trước thân xe lắp module giáp phản ứng nổ Relikt tương tự mẫu T-90MS, thay cho dòng Kontakt-5 trên những xe T-72B3 đời trước.
Diềm cao su hai bên sườn xe cũng được thay bằng các tấm giáp thép - cao su mới, có khả năng kích nổ đầu đạn HEAT trước khi chúng bắn vào giáp chính. Gầm xe được điều chỉnh để tăng khả năng kháng mìn tốt hơn.
Quân đội Nga đến nay đã nâng cấp khoảng 1.400 chiếc T-72 lên chuẩn T-72B3, cùng với đó là vài trăm chiếc đã được nâng theo chuẩn T-72B3M mới nhất.