Theo các quan chức của Bộ Quốc phòng Ba Lan, một máy bay tiêm kích MiG-29 của lực lượng không quân nước này, trong quá trình huấn luyện bay đêm, đã bị rơi xuống khu vực gần làng Paslek, tỉnh Warmia-Mazury, phía Đông Bắc đất nước.
Cụ thể, chiếc MiG-29 gặp nạn thuộc Căn cứ không quân Chiến thuật số 22 bị rơi lúc 02h:57 (giờ địa phương) ngày 6-7 gần làng Paslek.
\
Hình ảnh chiếc tiêm kích xấu số khi lao xuống đất.
Phi công nhảy thoát ra ngoài rơi xuống làng Sakuv gần thị trấn Malbork nhưng đã thiệt mạng còn chiếc máy bay rơi xuống cách nhà dân chỉ 500 m. Bộ Quốc phòng Ba Lan đã chính thức lên tiếng xác nhận sự việc.
"Trong quá trình bay đêm, một chiếc máy bay MiG-29 của Căn cứ Không quân Chiến thuật số 22 đã bị rơi. Phi công bật ghế thoát ra ngoài xuống địa phận thành phố Sakuvko, cách Malbork 18 km. Mảnh vỡ của máy bay đã được tìm thấy cách thành phố khoảng 1,5 km. Bác sĩ của đơn vị tình trạng khẩn cấp tuyên bố phi công đã thiệt mạng", Bộ QP Ba Lan cho biết.
Nguyên nhân vụ tai nạn hiện vẫn đang được điều tra làm rõ.
Theo Bộ Quốc phòng Ba Lan, viên phi công xấu số đã có 850 giờ bay tích lũy, trong đó có hơn 600 giờ bay trên MiG-29 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu cũng như thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập quốc gia và quốc tế.
Đây là vụ tai nạn thứ hai liên tiếp liên quan đến loại máy bay này trong biên chế không quân Ba Lan.Cuối năm 2017, một chiếc tiêm kích MiG-29 khác của Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng đã bị rơi ở vùng Minsk-Mazowiecki gần Thủ đô Warsaw. Tuy nhiên, phi công đã may mắn sống sót.
Hiện Ba Lan đang duy trì 32 chiếc MiG-29 nhưng một số đã buộc phải ngừng bay do thiếu phụ kiện sửa chữa.
Không quân Ba Lan nhận những chiếc tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 đầu tiên từ Liên Xô giai đoạn 1989-1990 (số lượng 12).
Đến năm 1995-1996, họ mua tiếp 10 chiếc cũ từ Cộng hòa Czech và tới năm 2004 là mua 22 MiG-29 từ kho lưu trữ Cộng hòa Liên bang Đức. Tính đến 2008, Ba Lan là quốc gia lớn nhất ở NATO sử dụng MiG-29.
Ba Lan chủ yếu sử dụng hai phiên bản MiG-29 gồm: tiêm kích đánh chặn MiG-29 9.12A và máy bay huấn luyện MiG-29UB 9.51A.
Chúng đều thuộc thế hệ đầu tiên của dòng MiG-29 lừng danh do Liên Xô sản xuất.
Ba Lan dự định sử dụng MiG-29 tới giai đoạn 2020-2025 mới cho nghỉ hưu.
Dù là một mẫu tiêm kích Liên Xô và không phù hợp với chuẩn NATO nhưng Ba Lan lại thường xuyên dùng MiG-29 tham dự các hoạt động tập trận chung với chiến đấu cơ tối tân của NATO.
Không loại trừ khả năng, NATO và Ba Lan dùng MiG-29 “đóng giả” chiến đấu cơ Nga cho hoạt động không chiến.
Tuy nhiên, MiG-29 Ba Lan thuộc thế hệ đầu của dòng, chưa kể bị giảm tính năng radar, hỏa lực so với mẫu gốc nên khó mà phát huy hết khả năng của tiêm kích MiG-29.
Tiêm kích đánh chặn MiG-29 được trang bị hai động cơ turbin phản lực cánh quạt đẩy RD-33 cho tốc độ tối đa Mach 2,25 (tương đương 2.400km/h).
Bán kính chiến đấu 700km, trần bay hơn 18.000m, vận tốc leo cao 330m/s.
Hỏa lực thế hệ đầu MiG-29 chỉ mang tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm tên lửa không đối không R-60, R-27 và R-73 cùng bom hàng không không điều khiển.