Được biết trước khi hỏi mua Hybrid Biho thì đích ngắm của Quân đội Ấn Độ chính là các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tầm thấp Tunguska và Pantsir-S1 do Nga sản xuất.
Tunguska và Pantsir-S1 sẽ đảm nhiệm rất tốt vai trò cận vệ khi tác chiến bên cạnh S-400 theo đúng mô hình mà Quân đội Nga đang triển khai tại Syria và Crimea.
Do vậy khi Ấn Độ quyết định loại bỏ các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tầm thấp của Nga để quay sang lựa chọn vũ khí Hàn Quốc đã tạo ra một sự bất ngờ vô cùng lớn.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, quyết định của Ấn Độ có thể đến từ màn thể hiện thất vọng của Pantsir-S1 tại Syria, khi vũ khí này bị phàn nàn là phát huy hiệu suất kém tại vùng khí hậu nóng ẩm.
Cụ thể tại Syria, radar của Pantsir-S1 thường xuyên rơi vào tình trạng hoang báo cũng như bỏ lọt mục tiêu, thậm chí còn nhận định nhầm chim hải âu là máy bay không người lái.
Xác suất trúng đích của tên lửa 57E6 trang bị cho Pantsir-S1 cũng bị phàn nàn là chỉ đạt tới con số 19% khi chống lại mục tiêu đơn giản như máy bay không người lái tự chế của phiến quân.
Tuy nhiên sau khi cân nhắc kỹ thì nguyên nhân Ấn Độ lựa chọn Hybrid Biho chưa chắc đã đến từ sự thất vọng dành cho Pantsir-S1, vì tổ hợp tên lửa - pháo phòng không của Hàn Quốc chưa từng trải qua thực chiến.
Vũ khí của Hàn Quốc mặc dù được quảng cáo có tính năng tiên tiến nhưng trên thực tế rất khó kiểm chứng chất lượng, ngoài ra nếu đặt cạnh Pantsir-S1 hay Tunguska thì Hybrid Biho rõ ràng thua kém rất nhiều về tính năng.
Mặc dù vậy, trong các hợp đồng mua sắm vũ khí thì yêu cầu lớn nhất của Ấn Độ chưa chắc đã là tính năng mà nằm ở khả năng sẵn sàng chuyển giao công nghệ của đối tác.
New Delhi và Seoul thời gian qua đã có khá nhiều chương trình hợp tác sản xuất vũ khí theo công nghệ chuyển giao, Hàn Quốc tỏ ra là một đối tác khá dễ chịu trong lĩnh vực này, khác hẳn với Nga.
Ví dụ điển hình nhất về quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Hàn Quốc theo đúng chủ trương đường lối sản xuất vũ khí trang bị nước ngoài thuộc khuôn khổ "Make in India" chính là pháo tự hành K9 Vajra.
Pháo tự hành K9 Vajra của Ấn Độ chính là phiên bản chế tạo theo giấy phép dựa trên nguyên mẫu K9 Thunder do Tập đoàn Samsung Techwin của Hàn Quốc chuyển giao công nghệ.
So sánh với nhiều hệ thống pháo tự hành bánh xích khác trên thế giới thì K9 không quá ấn tượng và vượt trội nhưng quan trọng là nó đáp ứng đúng yêu cầu của phía Ấn Độ.
Đây cũng được xem là nguyên nhân giải thích vì sao Hybrid Biho của Hàn Quốc lại được quốc gia Nam Á này lựa chọn, bất chấp nó khó mà so sánh được về tính năng so với Pantsir-S1.
Về phía Nga, có lẽ để giữ chân đối tác mua sắm vũ khí quan trọng nhất thì Moskva cần phải sớm thay đổi đường lối bán sản phẩm của mình khi sẵn sàng chia sẻ công nghệ với đồng minh.