Cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 do Mỹ dẫn đầu ngày 27-6 bắt đầu tại vùng biển ngoài khơi Hawaii và miền nam bang California với sự tham gia của 26 quốc gia, 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm, 18 đơn vị bộ binh và hơn 200 máy bay cùng 25.000 binh sĩ.
Trong cuộc tập trận này, Mỹ lần đầu tiên cho siêu tên lửa diệt hạm LRASM thể hiện sức mạnh.
Được phát triển vào năm 2015 và dự kiến đi vào trang bị trong không quân Mỹ vào năm 2018 và lực lượng không quân hải quân Mỹ vào năm 2019, AGM-158C LRASM được coi là loại tên lửa diệt hạm mới nhất và mạnh nhất hiện nay trên thế giới.
Với tầm bắn lên đến 560km mang theo đầu đạn nặng gần nửa tấn, tên lửa diệt hạm LRASM của Mỹ trở thành cơn ác mộng cho tàu chiến đối phương và các công sự của đối phương.
Được biết đây là loại tên lửa diệt hạm tầm xa có thể phóng từ nhiều phương tiện khác nhau từ tàu chiến cho tới máy bay chiến đấu, máy bay ném bom.
Tên lửa hành trình chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM là một phiên bản sửa đổi của tên lửa không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM nổi tiếng đã được sử dụng tại Syria vừa qua.
LRASM là viết tắt của Long Range Anti Ship Missile (Tên lửa chống hạm tầm xa).
Dự án này được phát triển nhằm tạo ra loại vũ khí lấp chỗ trống của tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon vốn bị cho là đuối sức trong tác chiến hiện đại.
AGM-158C được phóng theo các bước, đầu tiên các tàu chiến, máy bay mang theo loại vũ khí này sẽ xử lý thông tin từ phương tiện trinh sát, sau đó là khóa mục tiêu và cuối cùng là khai hỏa.
Siêu tên lửa diệt hạm LRASM được trang bị hệ thống dẫn đường với độ nhạy cực cao cho phép bắt bám mục tiêu chính xác và tiêu diệt gọn đối phương chỉ bằng một phát bắn.
Tên lửa LRASM được trang bị đầu dò đa năng, đường truyền dữ liệu tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận thông tin mục tiêu từ phương tiện phóng, sau đó tiếp tục cập nhật về mục tiêu qua kết nối với vệ tinh.
Tầm bắn hiệu quả của LRASM vào khoảng 560 km. Đây được coi là tầm bắn khá xa đối với một loại tên lửa diệt hạm.
Ngoài việc được mang trên máy bay chiến đấu, tên lửa LRASM còn được phóng đi từ hệ thống ống phóng MK-41 trang bị trên các tàu khu trục hạm và tuần dương hạm của Mỹ.
Tên lửa LRASM có trọng lượng tổng cộng 1.100 kg, trong đó đầu đạn nổ mảnh nó mang theo có trọng lượng tổng cộng 450 kg.
Với trọng lượng nổ này tên lửa LRASM có thể vô hiệu hóa tàu chiến 10.000 tấn chỉ bằng một phát bắn.
Điểm đặc biệt của vũ khí này là nó được tích hợp trí thông minh nhân tạo, khi tiến vào khu vực gần mục tiêu, nơi tín hiệu liên lạc vệ tinh bị gây nhiễu hoặc gián đoạn, tên lửa sẽ bay theo lộ trình được vạch sẵn.
Các cảm biến trên tên lửa sẽ xác định những khu vực bị đe dọa bởi vũ khí phòng không của đối phương, sau đó tự điều chỉnh hướng bay để vòng qua khu vực này.
Đối với mục tiêu là tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ trực thăng, chỉ cần vài ba quả LRASM cũng khiến những siêu chiến hạm này bị loại khỏi vòng chiến hoặc thậm chí bị đánh chìm.
Khi bước vào giai đoạn công kích, tên lửa nhanh chóng hạ độ cao xuống sát mặt biển để tránh bị hệ thống radar trên tàu chiến đối phương phát hiện.
Bên cạnh đó tên lửa LRASM áp dụng thiết kế khí động học mới cùng với vật liệu đặc biệt giúp loại tên lửa này có thể "vô hình" trước radar tìm kiếm của đối phương.
Vì tính năng tàng hình đỉnh cao này, việc đánh chặn tên lửa LRASM trở nên cực kỳ khó khăn.
LRASM được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại cùng với radar dẫn đường chủ động.
Với hệ thống dẫn đường kép như vậy, độ chính xác của tên lửa LRASM gần như tuyệt đối.
Ngoài khả năng chống hạm, LRASM cũng có kèm khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất hay đối đất. Hiện tại, tên lửa đối hạm LRASM đã được thử nghiệm và hoàn toàn tương thích với các cơ cấu phóng từ máy bay B-1B Lancer, F/A-18E/F, F-35 và bệ phóng thẳng đứng Mark 41 trên tàu chiến.