[ẢNH] Kênh đào Istanbul đe dọa nghiêm trọng an ninh tại Biển Đen

ANTD.VN - Sự xuất hiện của Kênh Istanbul sẽ làm đảo lộn sự cân bằng tại Biển Đen và việc rút khỏi công ước Montreux tiềm ẩn rủi ro khá rõ ràng.

Văn phòng Tổng công tố Thổ Nhĩ Kỳ vừa khởi xướng một cuộc điều tra đối với 104 đô đốc đã nghỉ hưu - những người bày tỏ lo ngại về việc sửa đổi Công ước Montreux liên quan đến dự án kênh Istanbul.

Trong một bức thư ngỏ, các đô đốc kêu gọi tuân thủ nghiêm ngặt quy ước về phương thức tàu thuyền qua eo biển Bosporus và Dardanelles, lưu ý rằng những cuộc thảo luận về việc rút khỏi công ước là không thể chấp nhận được.

Kế hoạch xây dựng kênh đào Istanbul, sẽ chạy song song với eo biển Bosphorus và nối Biển Marmara với Biển Đen đã được phê duyệt.

Tổng thống Tayyip Erdogan nói rằng Công ước Montreux sẽ không áp dụng cho con kênh. Trong khi Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói rằng điều này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ công ước.

Bức thư của các đô đốc đã nghỉ hưu đã nhận sự lên án mạnh mẽ từ một số chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ, những người coi đây là một nỗ lực kích động đảo chính.

Trong một cuộc phỏng vấn với chuyên gia chính trị Hayal Muazzin, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - ông Yashar Yakysh đã bình luận về những rủi ro và mức độ nguy hiểm nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi công ước.

PV: Bản kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ liệu có gây nguy hiểm cho Công ước Montreux hay không?

Trước hết tôi không nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút khỏi Công ước. Nếu tồn tại ý định như vậy, tôi nghĩ là sai lầm.

Có những người rất nhạy cảm với vấn đề này, chẳng hạn như các cựu đô đốc đã tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ trong mọi trường hợp không nên rút đi, họ nhận thức rõ tầm quan trọng của thỏa thuận cũng như hậu quả của việc rút khỏi nó.

PV: Việc xây dựng kênh đào Istanbul sẽ không phải là bước đầu tiên dẫn đến việc phá hủy công ước sao?

Chúng ta có thể mở một kênh mới, nhưng cần hiểu điều gì sẽ xảy ra sau đó. Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp khó khăn lớn.

Giả sử kênh đào được mở, người Mỹ gửi tàu của họ đến, đứng ở cảng Thổ Nhĩ Kỳ và nói: chúng tôi muốn đi qua kênh đào Istanbul. Ankara có thể đồng ý hoặc từ chối, vì Công ước Montreux không ảnh hưởng đến kênh này.

Nhưng ý nghĩa của công ước không phải để quy định ai có thể vượt qua và ai không thể, nó được thiết kế để duy trì sự cân bằng ở Biển Đen.

Cần nhắc lại rằng Montreux được gia hạn sau mỗi 20, tức là tất cả các quốc gia đều đồng ý với các điều khoản của văn bản này nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực.

Nếu tàu Hải quân Mỹ đi tự do qua kênh Istanbul sẽ làm đảo lộn sự cân bằng. Nếu Công ước Montreux bị phá vỡ, mọi người sẽ có thể đi dọc eo biển Bosphorus và Dardanelles mà không cần hỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

PV: Tuy nhiên nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi công ước, rủi ro là gì?

Nếu bản thân Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi hiệp định này, các nước sẽ ký kết văn bản mới và Ankara sẽ mất nhiều cơ hội. Sẽ khó khăn hơn trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đen.

Điều quan trọng là theo Công ước Montreux, Ankara có thể đóng cửa eo biển Bosporus cùng với Dardanelles trong trường hợp có mối đe dọa quân sự. Tôi nghĩ Tổng thống Erdogan sẽ không mắc sai lầm nghiêm trọng như vậy, cựu Ngoại trưởng Yakysh nhấn mạnh.