[ẢNH] 'Dùng dao mổ trâu để giết gà' tại chiến trường Trung Đông

ANTD.VN -  Tiêm kích F-15 Arab Saudi lựa chọn phóng tên lửa AIM-120 AMRAAM trị giá trên 1 triệu USD để chặn UAV vốn chỉ có giá vài ngàn USD của phiến quân.
Những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội hôm 30/3 cho thấy tiêm kích hạng nặng F-15 Arab Saudi phóng tên lửa hạ máy bay không người lái (UAV) Qasef-2K của phiến quân Houthi, Yemen.

Thời điểm diễn ra sự việc không được công bố, tuy nhiên dựa vào những hình ảnh tiêu diệt (UAV) Qasef-2K của phiến quân Houthi ở biên giới Arab Saudi với Yemen.

Được biết loại vũ khí vừa tiêu diệt UAV Qasef-2K chính là tên lửa AIM-120 AMRAAM được phóng đi từ tiêm kích F-15 của không quân Saudi Arabia.

Tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM là loại vũ khí khá đắt đỏ khi có giá lên tới hơn một triệu USD/quả.

Giới chuyên gia quân sự tỏ ra khó hiểu khi phi công chọn khai hỏa tên lửa AIM-120 đắt tiền, thay vì phóng đạn tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder có giá rẻ hơn và phù hợp cho mục tiêu tầm gần như trường hợp này.

Phiến quân Houthi ở Yemen gần đây liên tục phóng tên lửa và UAV vào lãnh thổ Arab Saudi. Quân đội Arab Saudi bắn hạ phần lớn mục tiêu, nhưng chi phí cho hoạt động đánh chặn là rất lớn và không hiệu quả về kinh tế, nhất là khi mục tiêu là những phi cơ không người lái có giá ước tính chỉ vài nghìn USD.

Lực lượng Houthi đã tự sản xuất được hàng loạt UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đủ sức tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Arab Saudi, bất chấp nhiều năm đối phó với chiến dịch quân sự và đòn không kích của liên quân do Riyadh dẫn đầu.

Sự phổ biến của UAV cũng mang tới nhiều mối đe dọa, trong khi chưa có phương án đối phó thật sự hiệu quả. Chúng thường có giá tương đối rẻ và mang được lượng thuốc nổ đủ lớn để gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự quan trọng.

Tuy vậy rõ ràng dùng tới tên lửa AIM-120 quá đắt đỏ thay vì dùng pháo hoặc tên lửa AIM-9 được coi là biện pháp 'dùng dao mổ trâu để giết gà' của đội quân nhà giàu Saudi Arabia.

AIM-120 AMRAAM (viết đầy đủ là Advanced Medium-Range Air-to-Air Missile dịch ra là "tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến") là một trong những loại tên lửa không đối không hiện đại nhất thế giới, cực kỳ mạnh mẽ.

Được đưa vào phục vụ hạn chế năm 1991, tên lửa này đã xuất khẩu tới khoảng 35 quốc gia trên thế giới.

Tính tới ngày nay, các máy bay chiến đấu thế giới đã thực hiện tới hàng ngàn phát bắn AIM-120, có tới hàng trăm chiến thắng đã được ghi công cho AIM-120.

Tên lửa không đối không AIM-120 được công ty Hughes và Raytheon thay nhau phát triển, sản xuất từ 1991 tới nay.

Nó ra đời nhằm thay thế cho mẫu tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động AIM-7 Sparrow vốn được đánh giá là kém hiệu quả.

Đơn giá một quả AIM-120 chừng 300.000-400.00 USD với các phiên bản từ AIM-120A đến C và lên tới "giá khủng" 1,78 triệu USD/quả với phiên bản AIM-120D.

Tên lửa không đối không AIM-120 có khả năng triển khai trên hầu hết các máy bay tiêm kích do Mỹ sản xuất, ví dụ như F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, F-22 Raptor, F-35 Lightning II; F/A-18 Hornet và cả E/F Super Hornet.

Ngoài ra, AIM-120 có thể tích hợp trên một số mẫu máy bay chiến đấu của đồng minh Mỹ như Eurofighter Typhoon, Tornado, JAS 39 Gripen, F-2, Sea Harrier...

Các phiên bản AIM-120 nhìn chung đều có kích thước tương đương nhau, sự khác biệt chủ yếu nằm ở những cải tiến động cơ, thuốc phóng, hệ thống dẫn đường... AIM-120 có trọng lượng 152kg, dài 3,7m, đường kính thân 180mm.

AIM-120 được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh nặng 22,7kg với phiên bản A/B và rút xuống còn 18,1kg với phiên bản C.

Mặc dù đầu nổ của AIM-120 được cho là nhẹ hơn loại trên AIM-7, nhưng nó vẫn được đánh giá là hiệu quả, dễ dàng phá hủy hoặc gây tổn thương nghiêm trọng với mọi máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải...

AIM-120 sở hữu khả năng cơ động và tốc độ cao nhờ được trang bị động cơ rocket WPU-6/B có thể đưa AIM-120 đạt tốc độ đáng kinh ngạc - Mach 4 (tương đương 4.900km/h) cho phép nó tiêu diệt ngay cả những máy bay chiến đấu nhanh nhất của đối phương.

Tầm bắn, phiên bản đời đầu A/B của dòng tên lửa AIM-120 chỉ đạt mức 55-75km (khá hơn AIM-7 đạt tầm 50km), tuy nhiên từ phiên bản AIM-120C-5 thì tầm bắn tăng lên đến 105km và đến AIM-120D thì tăng lên 160km.

Sức mạnh của AIM-120 được coi là ngang ngửa và thậm chí có phần nhỉnh hơn về phạm vi tác chiến so với R-77 của Nga.

Bên cạnh việc phát triển cho máy bay chiến đấu, nhà sản xuất cũng nghiên cứu chế tạo một vài phiên bản AIM-120 cho các tổ hợp tên lửa đất đối không. Ví dụ như hệ thống tên lửa phòng không SLAMRAAM được thiết kế trên khung gầm xe bọc thép HMMWV, trang bị bệ phóng với 5 đạn tên lửa.

Hay hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - xa NASAMS do Na Uy phát triển, cũng sử dụng các phiên bản cải tiến của tên lửa AIM-120. Tuy nhiên, khi được triển khai trên mặt đất, tầm bắn của AIM-120 "giảm chóng mặt" với cự ly theo phương ngang chỉ là 25km.