"Đức nên thiết lập một khu vực cấm bay ở phía Đông Bắc Syria sau khi Quân đội Mỹ rút về nước để bảo vệ người Kurd Syria khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào từ Thổ Nhĩ Kỳ", ông Ibrahim Murad - đại diện chính quyền Bắc và Đông Syria ở Đức đã nói như vậy với hãng tin Kurdistan 24 vào ngày 2/1.
Ông Murad nói thêm rằng người Kurd tại Syria rất hài lòng với đề xuất gần đây của ông Roderich Kiesewetter - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức.
Ngoài những cam kết ủng hộ, tuyên bố của ông Roderich Kiesewetter bao gồm cả việc đề xuất thành lập khu vực cấm bay dưới sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc trên các khu vực do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nắm giữ.
"Chính phủ Đức nên thực hiện đề xuất một cách nghiêm túc và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ sử dụng mối quan hệ của mình đối với Mỹ và các nước khác để đạt được điều này", hãng tin Kurdistan 24 dẫn lời ông Murad.
Kể từ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố kế hoạch sớm triệt thoái quân đội khỏi Syria thì lực lượng vũ trang người Kurd đã tỏ ra đặc biệt lo ngại.
Sự bất an của họ còn ngày càng gia tăng khi Quân đội Thổ Nhĩ kỳ được cho là đang rục rịch chuẩn bị tiến hành chiến dịch quân sự tại khu vực bờ Đông sông Euphrates nhằm tiêu diệt các tay súng ly khai.
Cao trào xảy đến vào ngày 21/12, khi ông Il Il Ahmed - một đồng chủ tịch của Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) - cánh chính trị của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã kêu gọi Pháp sớm thiết lập một vùng cấm bay ở phía Đông Bắc Syria.
Một đồng chủ tịch khác của SDC, người cũng tham dự cuộc họp tại Paris, ông Riad Darar cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng Đông Bắc Syria cũng sẽ dẫn đến sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố trong khu vực.
Pháp không đưa ra tuyên bố chính thức sau cuộc họp, tuy nhiên một quan chức của điện Elysee nói với hãng tin Reuters rằng Paris đảm bảo với phái đoàn SDC mọi sự hỗ trợ của Pháp dành cho họ sẽ tiếp tục, bất chấp việc Quân đội Mỹ sắp rời khỏi đây.
Theo đánh giá từ các nhà phân tích tình hình khu vực thì có lẽ chính phủ Pháp thực sự đang cân nhắc ý định sớm thiết lập vùng cấm bay tại Đông Bắc Syria theo yêu cầu của SDC.
Trở ngại lớn nhất của Paris hiện nay là lực lượng quân sự của họ đồn trú tại Trung Đông chẳng thể nào so sánh về quy mô với Quân đội Mỹ, cho nên không đảm bảo được tính vững chắc của vùng cấm bay.
Nhưng nếu như có thêm sự tham gia của Không quân Đức - cường quốc kinh tế số 1 châu Âu đồng thời cũng là một cường quốc quân sự thì có lẽ mọi nghi ngại của Pháp sẽ chấm dứt.
Không quân Đức là lực lượng được trang bị rất hiện đại, trong biên chế của họ có các tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon và Tornado với tính năng kỹ chiến thuật được đánh giá rất cao.
Sự phối hợp giữa tiêm kích Eurofighter Typhoon, Tornado của Đức với Rafale của Pháp sẽ tạo được ưu thế lớn trước Su-30SM, Su-35S của Nga cũng như F-16 Block 52 của Thổ Nhĩ Kỳ, đảm bảo vùng cấm bay được duy trì một cách vững chắc.
Khi rào cản lớn cuối cùng được dỡ bỏ, sẽ không ngạc nhiên nếu tuyên bố về một vùng cấm bay tại Đông Bắc Syria do Pháp và Đức thiết lập sẽ sớm trở thành sự thật.