[ẢNH] Đức sẽ rời EU để thiết lập liên minh với Nga?

ANTD.VN - Một số chính trị gia đối lập của Đức đã gây sốc khi đưa ra lời kêu gọi Berlin nên nối gót London rời khỏi EU và tạo ra một hình thức liên kết đặc biệt với Nga.

Tại Đức đang xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng cần tạo ra một "không gian châu Âu mới", nơi sẽ dựa trên những lợi ích chính trị và kinh tế. Đồng thời cần điều chỉnh lại cơ cấu quyền lực hiện có hoặc loại bỏ hoàn toàn chúng.

Quan điểm trên được ông Tino Khrupalla - đồng chủ tịch Đảng "Thay thế cho nước Đức - AfD" đề xuất, vị chính trị gia nói trên đã kêu gọi thực hiện bước đi này một cách nghiêm túc.

Nếu đề xuất trên được tiến hành, Nga có thể trở thành đối tác chính của việc phát triển nước Đức, trong khi EU lại bị xem như yếu tố gây cản trở. Bên cạnh đó, các quốc gia khác có thể tham gia liên minh nếu có nhu cầu.

Viễn cảnh nước Đức nối gót Anh rời EU (vốn đã được đặt tên là Dexit) từng không được quá nhiều người đồng thuận, nhưng nó có vẻ ngày càng lớn mạnh hơn khi xuất hiện sự mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên của Liên minh.

"Không nghi ngờ gì nữa, EU đang gần như mất khả năng phát triển và thay đổi do cải cách, do vậy Berlin cần phải nhanh chóng rời khỏi Liên minh", chính trị gia cánh hữu Đức khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Die Welt.

“Mọi thứ rất đơn giản - Nga thuộc về châu Âu, không còn nghi ngờ gì nữa", ông Khrupalla tuyên bố một cách đầy chắc chắn.

Đồng thời bản thân AfD nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu không nên trở thành một cơ cấu bao trùm, mà đơn giản phải là một khối thịnh vượng chung của các quốc gia có chủ quyền.

Trong viễn cảnh này, kể cả trường hợp Nga, và thậm chí đối với Liên minh châu Âu sau khi được khôi phục hoặc cải tổ, không có mối đe dọa nào ngăn cản thực hiện ý tưởng của ông Khrupalla.

Đề xuất của ông Khrupallo từng bị cho là phi thực tế không phải do ý định gộp cả "kẻ thù" là Nga, mà chỉ đơn giản vì EU đang đi vào ngõ cụt do sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên từ Đông sang Tây. Tuy nhiên những thay đổi hiện đã trở nên cần thiết.

Phó Chủ tịch Đảng AfD, chính trị gia cực hữu - bà Alice Weidel cũng ủng hộ ý tưởng của ông Khrupall và nêu ra một phương án thỏa hiệp.

Theo quan điểm của bà, yêu cầu của đảng về cải cách sâu rộng Liên minh châu Âu nên được tất cả các thành viên tính đến, nếu không, việc Đức rút khỏi EU sẽ không bị loại trừ.

Chính trị gia này một lần nữa nhấn mạnh rằng không một lực lượng chính trị nào muốn EU sụp đổ, mà chỉ có những cải tiến và cải cách. Nếu có, tất nhiên điều này vẫn nên diễn ra và cần xem xét bất kỳ lựa chọn nào có lợi cho Đức.

"Những lời hùng biện như vậy không thể được gọi là chủ nghĩa dân túy hay 'tiền bầu cử', bởi vì ý tưởng cấp tiến như vậy không được 'trả cổ tức' trong các cuộc bầu cử sắp tới", bà Weidel nhấn mạnh.

Mặc dù vậy cần nhắc lại quan điểm trên đang do một nhóm nghị sĩ đối lập đưa ra, hiện tại đa số người dân Đức vẫn phản đối việc rời EU hay thắt chặt quan hệ với Nga, nhất là sau những căng thẳng gần đây tại Biển Đen và miền Đông Ukraine.