Tình hình chiến sự tại tỉnh Idlib của Syria giữa một bên là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng các tay súng thánh chiến với bên kia là quân đội chính phủ Syria và không quân Nga vẫn diễn ra theo chiều hướng căng thẳng.
Trước việc lực lượng phiến quân đối lập do mình hỗ trợ đang lâm vào thế yếu trên chiến trường, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy họ đã sẵn sàng cho một chiến dịch phản công lớn.
Khác biệt chủ yếu trong hoạt động quân sự có thể sắp diễn ra là binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trực tiếp chiến đấu ở tuyến đầu chứ không đứng sau lưng các tay súng đồng minh để yểm trợ hỏa lực như trước nữa.
Trong trường hợp này, ngoài lực lượng tăng thiết giáp, pháo binh thì át chủ bài của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giành ưu thế trên chiến trường sẽ là các chiến đấu cơ F-16.
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện được trang bị nhiều loại chiến đấu cơ khác nhau nhưng hiện đại và có khả năng tác chiến toàn diện nhất vẫn là 250 tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon.
Chính vì vậy, viễn cảnh đối đầu quyết liệt giữa tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ với các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại của quân đội Syria đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của truyền thông quốc tế.
Mới đây trên trang Avia, các chuyên gia quân sự Nga đã đưa ra một số đánh giá, nhận định của mình về tình huống đối đầu và khả năng chiến thắng của hai bên trong cuộc chiến trực diện.
Theo chuyên gia Nga, "hiện tại lực lượng phòng không Syria được trang bị rất hùng hậu với nhiều tổ hợp tên lửa tối tân bao gồm Buk-M2E, Pechora-2M, Pantsir-S1 hay S-200 Angara... và đặc biệt là S-300PMU-2 Favorit"
"Về phía đối địch, không quân Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 250 máy bay chiến đấu F-16 với nhiều phiên bản khác nhau, bao gồm cả biến thể F-16C/D Block 50/52 Plus có tính năng cực kỳ tiên tiến".
"Mặc dù vậy, nếu không quân Thổ Nhĩ Kỳ dám đối đầu với lực lượng phòng không Syria thì có thể dự đoán rằng thiệt hại của họ sẽ ở mức không thể tưởng tượng nổi".
"Theo tính toán, trong một cuộc chiến tổng lực với phòng không Syria thì không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổn thất 80 - 90% lực lượng, như vậy họ xem như đã bị xóa sổ".
"Thổ Nhĩ Kỳ không có máy bay chiến đấu tàng hình hay tên lửa tấn công tầm xa, cho nên việc sử dụng F-16 để đối đầu với lực lượng phòng không hùng mạnh của Syria sẽ là tự sát", chuyên gia quân sự Nga bình luận.
Tuy nhiên, có vẻ chuyên gia quân sự Nga đã quên rằng Thổ Nhĩ Kỳ chính là nhà sản xuất tên lửa hành trình đối đất tàng hình tầm xa SOM-J để cung cấp cho tiêm kích F-35.
Nếu không quân Thổ Nhĩ Kỳ dùng chiến thuật như F-16I Sufa của Israel vẫn áp dụng rất thành công, đó là bắn tên lửa ngoài tầm của các hệ thống phòng không Syria thì thực tế cho thấy Damascus gần như chỉ biết "chịu trận".
Vì vậy, nhận định của chuyên gia quân sự Nga bị cho là đã thổi phồng năng lực của phòng không Syria lên quá mức nhằm gián tiếp ca ngợi tính năng vũ khí của mình, bất chấp thực tế diễn ra suốt thời gian qua là phòng không Syria thường xuyên bị qua mặt.