[ẢNH] Căn cứ không quân của Mỹ ở Afghanistan trước đây, bất ngờ hoạt động trở lại

ANTD.VN -  Căn cứ không quân Bagram từng là nơi đồn trú lớn nhất của quân đội Mỹ ở Afghanistan, nay bất ngờ hoạt động trở lại và đón máy bay quân sự nước ngoài, mọi sự chú ý đổ dồn vào Trung Quốc.
Sân bay quân sự Bagram nằm ở phía bắc thủ đô Kabul, được xây dựng vào thập niên 1950 và trở thành mục tiêu tranh giành giữa Taliban với lực lượng Liên minh phương Bắc vào đầu thập niên 2000. .
Sau khi đổ bộ vào Afghanistan năm 2011, sân bay được mở rộng đáng kể, trở thành căn cứ lớn nhất của Mỹ ở quốc gia này
Nơi đây có vai trò vô cùng quan trọng trong bảo đảm an ninh cho thủ đô Kabul. Đây cũng là nơi các chuyến bay chuyên chở các nguyên thủ quốc gia, bao gồm cả Tổng thống Mỹ, hạ cánh khi tới Afghanistan trong nhiều năm qua.
Vị trí và tầm quan trọng của căn cứ không quân Bagram khiến nó thường xuyên bị tấn công bởi lực lượng Taliban trước đây.
Căn cứ khổng lồ có 2 đường băng. Đường băng xây dựng gần đây nhất là vào năm 2006, dài 3.657m với chi phí 96 triệu USD. Có 110 điểm đỗ cho máy bay, được bảo vệ bằng các lớp tường kiên cố.
Bagram là tổ hợp phức hợp bao gồm, 2 đường băng, 3 nhà chứa máy bay lớn, một tháp điều khiển và rất nhiều tòa nhà hỗ trợ. Nơi đây còn có một bệnh viện 50 giường với một khu điều trị chấn thương, 3 phòng phẫu thuật và một phòng khám nha khoa hiện đại.
Hôm 2/7, toàn bộ binh sỹ Mỹ và NATO đã rút khỏi căn cứ không quân Bagram ngay trong đêm. Binh sĩ Mỹ rời đi bằng máy bay vận tải C-17A Globemaster III. Vừa khi lực lượng này rời đi, đèn trên toàn bộ căn cứ đột ngột tắt.
Khoảng 2 tiếng sau, lực lượng quân đội Afghanistan mới nhận được tin Mỹ đã rời Bagram. Trước khi quân đội Afghanistan có thể kiểm soát căn cứ, nhiều người địa phương đã xông vào cướp phá doanh trại cũng như nhà kho.

Lực lượng an ninh Afghanistan đã phải mất 3 ngày để dọn dẹp hậu quả của việc những người dân địa phương đột nhập căn cứ.

Theo tướng Mir Asadullah Kohistani, chỉ huy của căn cứ Bagram khi đó cho biết, quân đội Mỹ đã để lại căn cứ 3,5 triệu món đồ trước khi rút đi.

Giá trị nhất trong đó là hàng chục ngàn phương tiện dân sự và hàng chục xe bọc thép, bên cạnh vũ khí nhỏ, đạn dược các loại.
Bên trong khu vực Bagram này có một nhà tù với khoảng 5.000 tù nhân và hầu hết là các tay súng Taliban hoặc những người có liên quan.

Sau khi quân đội Afghanistan sụp đổ, Taliban tràn vào và chiếm giữ căn cứ không quân Bagram. Số phận của căn cứ này luôn được dư luận quan tâm đặc biệt bởi vị trí và tầm quan trọng của nó.

Theo báo Nga RT, sau nhiều ngày căn cứ chìm trong bóng tối thì bất ngờ ngày 3/10, hệ thống đèn điện bật sáng ở căn cứ Bagram suốt trong đêm. Nhiều máy bay cất và hạ cánh liên tục trong nhiều giờ.

Nếu thông tin này được xác nhận, đây là lần đầu tiên căn cứ không quân Bagram đón các máy bay quân sự trong 50 ngày qua và là dấu hiệu đáng chú ý.

Taliban không có năng lực và nhân lực vận hành căn cứ Bagram, nên mọi sự chú ý đổ dồn vào Trung Quốc. Theo tờ RT, Trung Quốc rất có thể là thế lực mới hiện diện ở căn cứ quân sự lớn nhất Afghanistan, dù rằng Bắc Kinh đã phủ nhận việc đưa quân đến quốc gia láng giềng.

Đầu tháng 9-2021, truyền thông nước ngoài đồn đoán Taliban đàm phán với Pakistan và Trung Quốc về tương lai của căn cứ Bagram.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khi đó đã bác bỏ thông tin Bắc Kinh có kế hoạch đưa quân đến Afghanistan.

Hôm 3/10/2021, Taliban cũng phủ nhận có binh sĩ Trung Quốc hiện diện ở căn cứ không quân Bagram. Căn cứ đột ngột bật toàn bộ hệ thống điện trong đêm dường như là nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh.

Các nghị sĩ Mỹ từng chỉ trích mạnh mẽ việc quân đội rời khỏi căn cứ Bagram trước khi chiến dịch sơ tán diễn ra. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng, căn cứ nên được sử dụng để sơ tán công dân và người tị nạn.

Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, từng dự đoán Trung Quốc sẽ sớm tiếp quản căn cứ không quân Bagram, trong chiến lược cùng Pakistan đối phó Ấn Độ.

Căn cứ không quân Bagram là biểu tượng can thiệp quân sự của Mỹ ở Afghanistan trong cuộc chiến kéo dài 20 năm.