[ẢNH] Bất ngờ lớn trước lý do khiến số trực thăng Taliban thu giữ không thể hoạt động

ANTD.VN - Những chiếc trực thăng Mi-17 và Mi-35 của Không quân Afghanistan mà Taliban chiếm được đều không thể cất cánh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên gây bất ngờ lớn.

Sau khi chiếm được gần như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, Taliban đã thu giữ rất nhiều khí tài, trang thiết bị quân sự hạng nặng của quân đội chính phủ.

Trong số những phương tiện tác chiến bị Taliban thu giữ làm chiến lợi phẩm gồm có cường kích Su-22M, A29 Super Tucano; trực thăng UH-60 Black Hawk, những máy bay này theo đánh giá đều còn có thể hoạt động.

Loại máy bay đáng giá nhất đối với các tay súng Taliban chính là trực thăng vận tải đa dụng Mi-17 và trực thăng vũ trang Mi-35 do Nga sản xuất, bởi vì sự phổ biến, độ tin cậy và quen thuộc trong vận hành đã nhiều năm.

Tuy nhiên các máy bay lên thẳng nói trên đều trong tình trạng không thể hoạt động, khiến nhiều ý kiến cho rằng quân chính phủ đã chủ động phá hủy, mục đích nhằm không đề phương tiện tác chiến rơi vào tay kẻ thù, nhưng sự thật có thể khác biệt hoàn toàn.

Mới đây một máy bay vận tải hạng nặng Il-76 của Ukraine đã cất cánh từ sân bay quốc tế Kabul, việc điều động phương tiện nói trên đến Afghanistan theo thông báo là để di tản các quân nhân về nước.

Mặc dù vậy theo báo chí Nga, hóa ra Quân đội Ukraine đóng tại quốc gia Trung Đông này đã loại bỏ rồi mang theo nhiều phụ tùng, động cơ và linh kiện của trực thăng vận tải đa dụng Mi-17 cũng như trực thăng vũ trang Mi-35.

Chính vì lý do này mà hầu hết các máy bay lên thẳng của Không quân Afghanistan khi bị Taliban bắt giữ đều ở trong tình trạng không thể sử dụng được.

Hiện tại chưa rõ hành động trên xảy ra một cách tự phát hay đã có sự dàn xếp giữa binh sĩ Ukraine với chính quyền Afghanistan cũng như Quân đội Mỹ, nhưng khả năng thứ hai theo đánh giá là cao hơn.

Được biết trên chiếc máy bay vận tải quân sự Il-76 khởi hành từ Kabul là nhiều loại linh kiện khác nhau, chúng rõ ràng sẽ được Ukraine sử dụng để sửa chữa những chiếc trực thăng của mình, bởi họ đang gặp vấn đề rất lớn về sự sẵn có của phụ tùng thay thế.

Đây là điều gây không ít ngạc nhiên, bởi công nghiệp hàng không Ukraine theo nhận định có đầy đủ khả năng tự chế tạo trang thiết bị thay thế cho những trực thăng xuất xứ từ Nga, thể hiện qua việc Kiev từng nhận rất nhiều hợp đồng đại tu cho nước ngoài.

Có thể tiềm lực nền công nghiệp quốc phòng Ukraine trong thời gian dài vừa qua bị suy giảm đã dẫn tới trình trạng này.

Có thông tin cho biết ngoài các kỹ thuật viên, phụ tùng trực thăng thì còn có những người lính đánh thuê trên chiếc Il-76 của Ukraine khởi hành từ Afghanistan.

Số binh sĩ trên được cho là đã vận hành các phương tiện chiến đấu của Quân đội Afghanistan theo hợp đồng với nước chủ nhà, mặc dù chưa có xác nhận chính thức về điều này.

Trước đó giới truyền thông biết rằng 12 lính đánh thuê Ukraine vẫn ở lại thủ đô Kabul sau khi không thể "đi nhờ" vận tải cơ C-17 của Mỹ.

Chính thức thì Kiev phủ nhận thông tin được đăng tải, đồng thời tuyên bố rằng tất cả các chuyên cơ Ukraine đã rời Afghanistan trong sứ mệnh nhân đạo.