[ẢNH] Bất ngờ khi Mỹ buộc phải để 41 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 nằm đất

ANTD.VN - Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, 41 máy bay tiêm kích F-35 của nước này đang phải dừng hoạt động để sửa chữa động cơ, song hiện tại vẫn chưa có phụ tùng thay thế vì dây chuyền sản xuất bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Không quân Mỹ vừa phải dừng bay 41 tiêm kích tàng hình F-35A do thiếu động cơ hoặc phụ tùng. Hiện không quân Mỹ đang biên chế tổng cộng 283 chiếc F-35A. Không quân hải quân Mỹ cũng đang biên chế phiên bản F-35B và F-35C chuyên hoạt động trên tàu sân bay.

Trung tướng Eric Fick, người điều hành chương trình tiêm kích F-35 trong phiên điều trần trước tiểu ban Lực lượng Chiến thuật trên không và mặt đất của Hạ viện Mỹ vào ngày 13/7 cho biết, không quân nước này bị ảnh hưởng nặng nề vì nhiều chiến đấu cơ F-35 không thể hoạt động do thiếu động cơ và phụ tùng thay thế.

Tướng Eric Fick cho biết thêm, hiện còn 5 chiếc F-35 của các lực lượng khác đang chờ sửa chữa, bao gồm 1 chiếc của Không quân hải quân Mỹ, 1 chiếc của Thủy quân lục chiến Mỹ và 3 chiếc của các đối tác khác.

Trong số 46 chiếc F-35 phải nằm đất, một số chờ phụ tùng thay thế nhỏ hoặc nâng cấp module động cơ Pratt & Whitney F135 giúp cải thiện lực đẩy và hiệu suất của tiêm kích.
Ông Jay Stefany, quyền trợ lý Bộ trưởng Hải quân Mỹ phụ trách nghiên cứu, phát triển và mua sắm, cho biết họ đang "hợp tác chặt chẽ với cơ sở bảo dưỡng động cơ hạng nặng" của F-35 tại căn cứ không quân Tinker ở bang Oklahoma trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ sửa chữa số tiêm kích nói trên.
Đơn vị bảo dưỡng và sửa chữa dự kiến tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thay thế động cơ, giúp giảm thời gian tiêm kích F-35 phải dừng hoạt động.
Một trong những vấn đề gặp phải là lớp phủ trên bề mặt cánh quạt động cơ bị quá nhiệt khiến chúng bị nứt. Điều này khiến F-35 phải bảo trì động cơ sớm hơn kế hoạch, dừng hoạt động trước thời hạn và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt khí tài trong các quân chủng.
Do thiếu động cơ, Bộ Chỉ huy Tác chiến Trên không của Mỹ hồi đầu năm lùi lịch trình triển lãm hàng không 2021 của F-35 để đảm bảo khả năng sẵn sàng triển khai tác chiến và huấn luyện.
Ông Matthew Bromberg, chủ tịch phụ trách động cơ của Pratt & Whitney thuộc tập đoàn Raytehon, cho biết lý do gây ra thiếu hụt động cơ là vì đại dịch Covid-19, hãng đang gặp khó khăn khi tìm vật tư chất lượng.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đó sản xuất và cung cấp khoảng 188 linh kiện liên quan tới động cơ F-35, song nước này đã bị loại khỏi chương trình sau khi mua tên lửa phòng không S-400 của Nga. Tuy vậy Mỹ cũng tìm cách để các đối tác khác phát triển thay thế số linh kiện từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù gặp nhiều tranh cãi, nhưng đến thời điểm hiện tại F-35 đã cho thấy bước đầu thành công khi thực chiến xuất sắc ấn tượng tại Syria.
Ở chế độ tàng hình, F-35 sẽ giấu vũ khí trong thân, nhưng ở chế độ "quái thú" vũ khí sẽ được treo cả dưới 2 cánh và trong thân.
Khi không cần tàng hình, tổng số vũ khí F-35 có thể mang tới 10 tấn, nhiều hơn so với đại đa số các chiến đấu cơ khác kể cả Su-30/35/57 của Nga và J-11/20 của Trung Quốc.
Chiến đấu cơ Mỹ vẫn nổi tiếng về khả năng mang vác tải trọng vũ khí. F-15X còn có thể mang tối đa 12 tấn, hay ngay cả tiêm kích hạng nhẹ F-16 phiên bản mới nhất cũng có thể mang tới 8 tấn vũ khí.
Trong khi máy bay Nga chỉ mang tải trọng vũ khí trong khoảng từ 7-8 tấn. Ngay cả máy bay hiện đại Su-35 và Su-57 ở chế độ không tàng hình cũng chỉ có khả năng mang theo 8 tấn vũ khí dù chúng trang bị tới 2 động cơ cực khỏe.
Vũ khí chủ lực của siêu tiêm kích này là các tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120 AMRAAM với tầm bắn tối đa 180 km.
Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ áp dụng những phương thức tác chiến mới nhất để đối phương không có cơ hội tiếp cận F-35 ở cự ly gần.
Công bằng mà nói nếu ở tác chiến tầm gần, F-35 khó có cơ hội chiến thắng các tiêm kích siêu cơ động của Nga, vì vậy nó ưu tiên không chiến ở tầm xa.
Với khả năng tàng hình, F-35 có thể tiêu diệt đối thủ trước khi đối phương kịp phát hiện ra chúng.
Bên cạnh việc trang bị cho F-35 vũ khí và cảm biến hiện đại, Lầu Năm Góc còn áp dụng hệ thống dẫn đường và cảnh báo tầm xa cho siêu tiêm kích trong các hoạt động chiến đấu.
Nếu nhìn vào những công nghệ và vũ khi mà nó sở hữu, đối phương có rất ít cơ hội để tiếp cận siêu chiến đấu cơ này.
F-35 có thể mang theo 14 tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM và 2 Sidewinder AIM-9X cho các hoạt động trên không hoặc 6 quả bom GBU-31 và 4 tên lửa không đối không. F-35, trong trường hợp này nó biến thành máy bay ném bom và tấn công.

Khi ở chế độ tàng hình F-35, nó chỉ có thể mang theo 2,6 tấn tải trọng chiến đấu gồm hai quả bom GBU-31 hoặc Paveway IV và một cặp AIM-120. Hiện F-35 vẫn là dòng chiến đấu cơ đắt hàng của Mỹ và ước tính số lượng sản xuất đã lên tới khoảng 1.100 chiếc.