Ấn Độ bất ngờ muốn 'xem xét lại' quan hệ đối tác quân sự với Nga

ANTD.VN - Quan hệ đối tác quân sự với Nga có thể sẽ được Ấn Độ thay đổi trong thời gia tới nếu Moskva vẫn từ chối cung cấp các công nghệ quan trọng.

Quan hệ đối tác quân sự với Nga đang không khiến Ấn Độ cảm thấy hài lòng, nguyên nhân nằm ở việc Moskva chưa sẵn sàng cung cấp cho New Delhi các công nghệ cần thiết.

Theo nhận xét, việc bán hệ thống phòng không S-400 thể hiện sự sẵn sàng của Nga trong việc chuyển giao các hệ thống vũ khí tiên tiến cho Ấn Độ. Tuy nhiên New Delhi cho biết họ cần phải có nhiều hơn thế.

Moskva hiện từ chối hợp tác quân sự với New Delhi theo nguyên tắc chuyển giao công nghệ, khi chỉ cung cấp các bộ phận vũ khí, khí tài được sản xuất tại Nga để Ấn Độ lắp ráp thành phẩm mà thôi

"Quan hệ đối tác quân sự với Nga cần được xem xét lại, đặc biệt là trong bối cảnh Ấn Độ mong muốn độc lập về công nghiệp quốc phòng", cựu trưởng ban thư ký Hội đồng Quốc phòng - ông Mohan G. Kumar cho biết trên trang Economic Times.

Theo ông Kumar, hợp tác quân sự giữa hai nước đã diễn ra hơn nửa thế kỷ, bắt đầu từ những năm 1960. Trong thời gian này, Ấn Độ đã nhận được "các thiết bị quân sự quan trọng" như xe tăng T-72/90 , một dòng máy bay chiến đấu gia đình MiG và Su-30.

Tuy nhiên ông Kumar cho rằng lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ, nơi sản xuất các sản phẩm này chưa thể tăng mức độ nội địa hóa do vướng phải rào cản từ phía Moskva

"Điều này được chứng minh bằng tình trạng sa sút của các xưởng sản xuất vũ khí. Một phiên bản nội địa đáng tin cậy của động cơ máy bay vẫn chưa được phát triển", ông Kumar nhấn mạnh.

Theo ý kiến ​​của ông Kumar, Moskva đang cản trở sự tiến bộ trong lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ: "Nga không muốn giúp Ấn Độ tự xây dựng năng lực sản xuất các linh kiện và phụ tùng cho vũ khí do Liên bang Nga cung cấp".

"Khi sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước đã chậm lại đáng kể".

Ngoài ra Cựu trưởng ban thư ký Hội đồng Quốc phòng Ấn Độ còn cho hay, những nỗ lực để thiết lập một cơ sở sản xuất chung các sản phẩm quân sự đã không thành công:

"Nhà cung cấp Nga vũ khí muốn duy trì độc quyền trong việc đảm bảo phụ tùng thay thế, điều này là khó chấp nhận. Sự không hài lòng của Ấn Độ thể hiện trong quá trình chuyển đổi dần dần từ vũ khí Nga sang sản phẩm phương Tây".

Theo Kumar, sau khi Mỹ bán máy bay vận tải quân sự C-17 và C-130, các hợp đồng mua trực thăng Apache và Chinook, lựu pháo hạng nhẹ M777 và nhiều thương vụ khác đã được Ấn Độ thực hiện.

Một bước đột phá trong hợp tác quân sự với Nga dường như là thỏa thuận sản xuất máy bay trực thăng hạng nhẹ đa năng Ka-226T ký kết năm 2015 cũng đang lâm vào nguy cơ thất bại nặng nề:

Đây là dự án hợp tác đầu tiên như vậy với các điều khoản về chuyển giao công nghệ, sự tham gia của khu vực tư nhân và tạo ra chu trình sản xuất thay vì chỉ là lắp ráp linh kiện như trước kia.

New Delhi đã lên kế hoạch sản xuất 40 máy bay ở Nga và 160 chiếc khác ở Ấn Độ. Tuy nhiên dự án đầy triển vọng này vẫn đang lâm vào bế tắc "bất chấp nhu cầu của Ấn Độ về một loại trực thăng đa dụng hạng nhẹ mới".

"Dự án bị đình trệ do chưa giải quyết được vấn đề mức độ nội địa hóa sản xuất. Mặc dù nhu cầu thay thế phi đội Chetak và Cheetah đã cũ của Ấn Độ là rất cấp thiết", ông Kumar nhấn mạnh.

"Do nhu cầu về máy bay trực thăng hạng nhẹ có thể lên tới hơn 600 chiếc, nên cả hai bên phải linh hoạt để hoàn thành thỏa thuận chuyển giao công nghệ nhằm hướng đến việc đôi bên cùng có lợi".

"Đối với Nga và Ấn Độ, đây có thể là cơ hội cuối cùng để xem xét lại mối quan hệ chiến lược trên cơ sở đối tác mang tính xây dựng", vị cựu quan chức quốc phòng Ấn Độ cảnh báo.