Sao lại cô đơn?

ANTD.VN - Thường ở những câu chuyện lãng mạn, hấp dẫn, kỳ bí hoặc ở những mối thâm tình cao cả, bất trắc, xót xa, thì người ta luôn thấy hiện diện một sự cô đơn nào đó. Sâu xa, cô đơn vốn chẳng là sự hay, thế nhưng nó hay đọng ở những người quen tử tế, hướng nội. 

Cô đơn nhang nhác có họ hàng với sâu sắc bất hạnh. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi dịp lễ tết, nhiều người thiện tâm thường đi thăm những kẻ đơn chiếc. Đàn ông cô đơn đã mệt, đàn bà cô đơn lại có phần mệt hơn. Hình như đa phần bọn họ đều độc thân. 

Theo tiếng Latinh thì chữ “độc thân” được viết là “célibat”, một thuật ngữ không có giới tính. Bản dịch Kinh Thánh đầu tiên ở Việt Nam gọi những người còn độc thân hay những người chưa hoặc không muốn lập gia đình là “son sẻ”. Đại loại đó là những người rảnh rỗi và còn kha khá trong trắng. Nhưng trong giao tiếp thông tục, vẫn trên gốc từ célibat, các tay chơi ở Hà Nội giỏi tiếng Pháp của thời đó, thích sành điệu gọi riêng đám đàn ông dám sống bập bềnh nghệ sĩ giang hồ là “xê li bạt te”.

Trong những đàn ông “xê li bạt te” thì những tu sĩ chuyên nghiệp vẫn được kính trọng nhất. Theo giới quy của nhà Phật lẫn nhà Chúa, thì nói chung họ đều không có vợ. Vì vậy, chỉ số “độc” trên toàn “thân” của các vị thực tu là thuần khiết một trăm phần trăm. Có lẽ do thế mà bất cứ một đàn bà nào có ý định gạ gẫm quyến rũ tu sĩ đều vĩnh viễn bị coi là đồ độc ác, kể cả cô thiếu nữ ngây ngô như trong truyện vừa “Cha Xéc Ghi” của đại văn hào Lev Tolstoy. Tất nhiên không có vợ không có nghĩa là không có con, cho dù điều đấy là hiếm hoi.

Nhân vật Hồng Y giáo chủ Môntaneli trong tiểu thuyết “Ruồi Trâu” lừng lẫy trót âm thầm có một con trai. Vị hồng y này, vừa lặng lẽ chân thành yêu thương chăm sóc con vừa dằn vặt mặc cảm vì phạm giới. Cuối cùng ông ta tự đau đớn giằng xé đến phát điên. (Xin lưu ý, tác giả của Ruồi Trâu là một nữ văn sĩ. Đàn bà cô đơn khi viết văn thường rất hay cho nhân vật đàn ông phát điên, nó y như khi đàn ông viết văn cũng thường hay cho đàn bà phải uống thuốc chuột, “madam” Bovary của nam văn sĩ Flaubert chẳng hạn). Có thể đây là điều hơi quá khắt khe, vì so với cái ông cha đẹp trai của phim truyền hình dựng từ tiểu thuyết có cái tên xếch xi “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà đám thị dân nức nở ưa thích, thì nhân vật hồng y kia có vẻ sống động nhân văn hơn nhiều.

Không được trân trọng bằng tu sĩ nhưng các nam nghệ sĩ gắng gượng sống độc thân cũng được người đời, đa phần là các bà các cô, quý mến vô ngần. Các nam nghệ sĩ “xê li bạt te” thường để tóc dài, mắt có đuôi dài ẩn ức sầm sậm một nỗi buồn dài nhưng lại sở hữu một hôn nhân cực ngắn. Theo như họ tuyên bố thì họ thường bị vợ hoặc người yêu bạc bẽo bỏ. Sự tự bạch có vẻ nao nao trung thực này làm nhiều đàn bà đa cảm, đặc biệt là các thiếu nữ đang loay hoay lớn vô cùng rưng rưng. Họ xót xa nghẹn ngào thầm thì với nhau. Hoặc “tội nghiệp cho anh ấy quá”. Hoặc “quả là một người đàn ông bi tráng cao thượng”.

Không hiểu sao tất cả các nam nghệ sĩ độc thân đều có thiên hướng cô đơn, họ thành thạo cô đơn đến mức kể cả lúc được vô số thiếu nữ vừa xinh vừa đẹp vừa biết hát mở tay, mở lòng, mở hồn ôm ấp đón nhận thì họ vẫn cứ buôn buốt cô đơn. Ngay cả khi hiện hình lên tivi có ấm áp đông người, bọn họ mặt vẫn buồn, mắt vẫn hoang vu, mồm vẫn dài dại lầu rầu. Họ nhỏ nhẹ tâm sự, mình đã và đang là đệ tử chân truyền của Độc Cô Cầu Bại.

Và để gần giống Độc Cô đại hiệp thường một mình giắt một kiếm thì các nam nghệ sĩ này cũng một mình dắt theo một đứa bé gái bụ bẫm. Còn gì cảm động bằng “mô típ” kinh điển “gà trống nuôi con”. Cứ thử nhìn đám giả Cái Bang mà xem. Một trung niên nhếch nhác dẫn theo một đứa con nhỏ thì thu nhập đi xin bao giờ cũng cao hơn hẳn một thiếu phụ dẫn theo một bà già.

So với đàn ông, phụ nữ ít bị cô đơn hơn, nhất là lúc họ còn đang là hồn nhiên ngây thơ thiếu nữ. Có điều, khi đến đoạn tuổi thiếu phụ, chỉ số cô đơn ở họ đột biến tăng. Chao ôi, cô đơn ở thiếu phụ mới là cô đơn đích thực, những thứ bơ vơ ở đàn ông nếu phải so với nó thì đúng là một thứ ồn ào làm trò. Nói chung, đàn ông không có cô đơn, ở bọn họ thuần túy là sự ngạo mạn của cô độc.

Vì vô minh tin theo truyền thông, nên người ta cứ chắc mẩm là đàn ông cô đơn đông hơn đàn bà. Bởi cứ bật ti vi hay mở các trang báo cả mạng lẫn viết, thì người ta đều thấy vô số nam trung niên tuy có một vợ khôn, có ba bồ đẹp nhưng vẫn thất thanh khản cổ gào tôi đang cô đơn đây. "Đời tôi cô đơn nên hai tay nắm hai cô", giọng hát nghèn nghẹn bắt chước Tuấn Vũ của các "nam cô đơn gia" luôn nức nở vang lừng từ các phòng karaoke có ôm. Tuyệt không có thiếu phụ cô đơn nào lại mồm to như vậy.

Nói cho cùng thì tu sĩ hay nam nghệ sĩ côi cút vẫn là số ít chủ động độc thân, còn ở cuộc đời bình thường, đàn ông bị động độc thân vẫn là nhan nhản. Những đàn ông này chưa hoặc không lập được gia đình bởi quá khó tính quá bận công việc, hoặc thảm hơn, quá nhiều cổ phiếu. Và không hiểu sao bọn họ thường hay cãi nhau với tivi, còn facebook luôn để ở chế độ "mọi người".

Không hiểu sao tất cả các nam nghệ sĩ độc thân đều có thiên hướng cô đơn, họ thành thạo cô đơn đến mức kể cả lúc được vô số thiếu nữ vừa xinh vừa đẹp vừa biết hát mở tay, mở lòng, mở hồn ôm ấp đón nhận thì họ vẫn cứ buôn buốt cô đơn.

Tin đọc nhiều