Zimbabwe chịu tác động từ xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tưởng chừng như cuộc xung đột Nga - Ukraine khó tác động được đến tận châu Phi nhưng thực tế, nó đang ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia đang phát triển như Zimbabwe khi nguồn cung cấp nhiên liệu, thực phẩm bị gián đoạn.
Giá nhiên liệu tăng vọt tạo thêm gánh nặng chi phí cho người dân Zimbabwe

Giá nhiên liệu tăng vọt tạo thêm gánh nặng chi phí cho người dân Zimbabwe

Giá lúa mì và nhiên liệu tăng chóng mặt

Phillip Kambamura, 32 tuổi, không thể tin được rằng anh vừa đổ xăng cho chiếc taxi của mình với giá 1,67 USD/lít vào đầu tháng 3 ở Mutare, thành phố lớn thứ ba của Zimbabwe. Đây là lần thứ hai giá nhiên liệu tăng trong một tuần và Cơ quan Điều tiết Năng lượng Zimbabwe (ZERA) lấy lý do chính là cuộc chiến ở Đông Âu. “Với giá xăng này, những lái taxi như tôi không đủ kiếm sống”, Kambamura, người đàn ông sống ở Dangamvura, ngoại ô Mutare cho biết.

Không chỉ nhiên liệu, giá lúa mì cũng tăng trên toàn cầu trong bối cảnh Nga và Ukraine là nhà xuất khẩu chiếm khoảng 1/4 lượng lúa mì của thế giới. Hiệu ứng của nó đang ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia đang phát triển như Zimbabwe khi nguồn cung bị gián đoạn cả do chiến tranh và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga. Cụ thể, Zimbabwe nhập một nửa lượng lúa mì từ Nga, nhưng giá lúa mì tăng gần 15% vào đầu tháng 3.

Giá nhiên liệu và lúa mì tăng đã gây ra làn sóng tăng giá các mặt hàng cơ bản trên khắp đất nước. “Các mặt hàng nhập khẩu chính của Zimbabwe là nhiên liệu và ngũ cốc. Sự gia tăng chi phí này sẽ làm tăng hóa đơn nhập khẩu của chúng tôi và gây áp lực nghiêm trọng lên lạm phát, điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá của hầu hết các mặt hàng”, nhà kinh tế độc lập Vince Musewe có trụ sở tại Harare phân tích. “Những người bán buôn đã tăng giá các mặt hàng này với lý do chi phí phân phối tăng. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá hàng hóa với một tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn”, Mapurada nói khi đứng sau quầy trong cửa hàng tạp hóa của mình tại một trung tâm mua sắm ở Chikanga, ngoại ô Mutare nói.

Tác động ở nơi cách xa hàng nghìn dặm

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Zimbabwe với Nga có từ những năm 1970 khi nước này đấu tranh để giành độc lập từ Anh. Vào thời điểm đó, Nga đã gửi vũ khí và huấn luyện quân đội Zimbabwe chiến đấu. Do đó, ngày nay, bất chấp các lệnh trừng phạt, Mnangagwa vẫn duy trì mối quan hệ thân tình với Nga. Trong những năm qua, Nga cũng đã tăng cường đầu tư vào nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực khai khoáng và năng lượng. Các nhà kinh tế lo ngại rằng, hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể gây ảnh hưởng đến các quốc gia châu Phi như Zimbabwe bởi họ vốn có các thỏa thuận khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với Nga, đặc biệt là về năng lượng và khai thác mỏ. Cụ thể, một thỏa thuận hợp tác cùng khai thác giữa Công ty Kim cương hợp nhất Zimbabwe thuộc sở hữu Nhà nước và Alrosa của Nga, nhà sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới từ năm 2019 cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều người Zimbabwe vốn đang phải vật lộn với tình trạng nghèo đói lan rộng hiện giờ lại càng khó khăn hơn do lương trì trệ, lạm phát nằm ngoài tầm kiểm soát do yếu kém trong quản lý kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 5 triệu người Zimbabwe, tức 1/3 dân số không có đủ lương thực để ăn từ tháng 1 đến tháng 3-2022. Hơn thế, cả Ngân hàng Thế giới và Chính phủ đều dự báo tăng trưởng hơn 5%, đây là thông tin đáng hoan nghênh sau một năm suy thoái sâu và 2 năm đại dịch, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục sẽ kéo lùi con số này.

Trong khi xung đột ở Ukraine vẫn tiếp tục, những tác động của nó vẫn được cảm nhận ở các quốc gia nhỏ hơn cách xa hàng nghìn dặm. Trong số này, lái xe taxi Kambamura đang chờ Chính phủ Zimbabwe ngăn chặn việc tăng giá nhiên liệu không ngừng. “Tôi chỉ hy vọng Chính phủ sẽ can thiệp và cắt giảm giá nhiên liệu”, anh nói. Cuối tuần qua, Chính phủ Zimbabwe đã thực hiện một đợt cắt giảm và hạ giá xăng xuống nhưng điều đó vẫn chưa thể giúp cho Kambamura đủ trang trải cuộc sống.

Việc tăng giá nhiên liệu đã làm cho chi phí sản xuất trong toàn bộ chuỗi cung ứng tăng lên. Phí phương tiện giao thông công cộng cũng như giá bánh mì và bột mì cao hơn. Tất cả những điều này đã có tác động làm xói mòn thu nhập trung bình của người dân và làm giảm hơn nữa mức sống ở Zimbabwe”.

Stevenson Dhlamini (Giảng viên kinh tế ứng dụng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia ở Bulawayo, thành phố lớn thứ hai của Zimbabwe)