- Đảm bảo dữ liệu tài khoản ngân hàng sạch, sống, chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến
- Cảnh báo giả mạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cập nhật sinh trắc học
- Chống tội phạm công nghệ cao, ngân hàng quyết liệt lập “hàng rào số”
Xóa bỏ tài khoản không chính chủ
Theo quy định tại Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra sinh trắc học khuôn mặt của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp.
Mục đích ban hành Quyết định 2345 là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Sau 3 tháng Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đã có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm tới 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8-9/2024.
Để tiến thêm một bước nữa trong bảo vệ khách hàng, cuối tháng 6/2024 vừa qua, NHNN đã liên tiếp ban hành 2 thông tư mới quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và hoạt động thẻ là Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17) và Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 18).
Theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18 của NHNN, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán, chủ thẻ ngân hàng sẽ bị tạm dừng giao dịch nếu giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hạn hiệu lực và/hoặc khách hàng chưa thực hiện thu thập sinh trắc học.
Từ 1/1/2025, toàn bộ tài khoản ngân hàng chưa cập nhật sinh trắc học sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch |
Để thực hiện quy định này, thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã thông báo đến khách hàng về việc sẽ dừng toàn bộ giao dịch kể từ 1/1/2025, nếu tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học.
Đối với thẻ thanh toán và thẻ ghi nợ, từ 1/1/2025, khách hàng cũng sẽ không thể tiếp tục sử dụng nếu giấy tờ tuỳ thân, giấy xác nhận cư trú hết hạn hoặc chưa cập nhật giấy tờ tuỳ thân thành CCCD/thẻ căn cước.
Đối với thẻ tín dụng, từ 1/1/2025, khách hàng cũng sẽ không thể thực hiện giao dịch thẻ khi giấy tờ tuỳ thân, giấy xác nhận cư trú hết hạn.
Như vậy, có thể hiểu là từ đầu năm 2025, sẽ gần như xóa sổ toàn bộ thẻ ngân hàng không chính chủ. Theo đó, các ngân hàng khuyến nghị khách hàng cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân và cập nhật dữ liệu sinh trắc học bằng cách truy cập vào ứng dụng ngân hàng và thực hiện cập nhật dữ liệu sinh trắc học; hoặc thực hiện cập nhật thông tin cá nhân và dữ liệu sinh trắc học tại tất cả chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng trên toàn quốc.
Tội phạm nhắm đến tài khoản doanh nghiệp
Dù những giải pháp trên là quyết liệt, sẽ trở thành một hàng rào vững chãi chống tội phạm lừa đảo, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có một biện pháp nào là triệt để và hoàn hảo.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp.
“Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký” – Phó Thống đốc nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ ngành khác. Vì các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bởi cơ quan thẩm quyền.
“Nếu chúng ta để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ ngành ngân hàng, mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn còn trên mọi lĩnh vực. Do đó đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với ngân hàng để đảm bảo được nguồn gốc, người đại diện pháp luật có CCCD để truy xuất được” – lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.