Temu vào Việt Nam, mừng hay lo?

ANTD.VN -  Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) Temu vừa xuất hiện tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn của người tiêu dùng. Với chính sách giá cả cực rẻ, miễn phí vận chuyển và chính sách đổi trả hàng trong vòng 90 ngày, Temu trở thành đối thủ đáng gờm của các nền tảng TMĐT đang hoạt động tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki…
Giá rẻ, giao hàng miễn phí đang là lợi thế lớn nhất của Temu

Giá rẻ, giao hàng miễn phí đang là lợi thế lớn nhất của Temu

Mua sắm tiết kiệm, dễ dàng

Temu hiện chưa có trang web chính thức tại Việt Nam nhưng ứng dụng của nền tảng này đã hoạt động, cho phép khách hàng người Việt Nam tìm hiểu, đặt mua hàng trực tiếp. Về giá rẻ, nhiều người tiêu dùng đang đánh giá, Temu là “vô địch”.

Chị Minh Nguyệt (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhiều ngày nay, quảng cáo của Temu luôn xuất hiện trên trang Facebook cá nhân của chị. Chỉ với vài dòng giới thiệu ngắn ngủi như: “Phát hiện tuyệt vời! Tiết kiệm lớn với mức giảm giá không thể tin được!”, hay “Tôi thấy rất nhiều món đồ mình thích trên Temu và đều đang giảm giá. Cứ như vừa trúng mánh vậy!”…

Bị hấp dẫn, chị Minh Nguyệt đã tải app về để thử đặt hàng. Temu ưu đãi lớn cho người mua lần đầu. Chẳng hạn túi xách nữ da tổng hợp chỉ hơn 22.388 đồng/chiếc vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng hoặc 400 tấm khăn bếp dùng 1 lần cỡ lớn chỉ với giá 36.201 đồng, được miễn phí vận chuyển... “Đúng là rẻ chưa từng thấy”- chị Minh Nguyệt nói.

Thử đặt hàng trên app của Temu, anh Nguyễn Mạnh Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bất ngờ khi nhận được hàng là đôi giày lười chỉ sau 5 ngày đặt hàng, gồm cả ngày cuối tuần. “Size số vừa vặn, da khá mềm, giá hơn 300.000 đồng/đôi, được miễn phí vận chuyển. Tôi mua thử nhưng thấy khá ưng ý”- anh Mạnh Hùng cho biết.

Giống như các sàn TMĐT đình đám khác tại Việt Nam như Shopee hay Lazada, Temu có danh mục hàng hóa phong phú, cái gì cũng có. Chính vì vậy mà người mua hàng tìm kiếm thuận lợi, được trải nghiệm cảm giác "mua sắm như tỷ phú", “xuống tiền” không phải đắn đo tính toán.

Nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo. Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ tuần gần đây. Họ tung loạt ưu đãi cho người dùng mở tài khoản và giao dịch lần đầu. Ở mỗi loại sản phẩm khách tìm kiếm, luôn xuất hiện vài mẫu được dán nhãn "Mừng khai trương" và giảm giá sâu.

Được biết, hiện Temu có 2 đối tác vận chuyển tại Việt Nam là Ninjavan và Best Express, với thời gian giao hàng chỉ 3-5 ngày, tương đương tốc độ giao nội địa của các đơn thông thường.

Lo ngại chất lượng hàng hóa

Nêu quan điểm về sự xuất hiện đình đám của Temu, các chuyên gia cho hay, về mặt tích cực, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm một lựa chọn mua sắm giá rẻ, thuận tiện.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần xem xét kỹ chất lượng sản phẩm trước khi đặt mua. Ở tầm vĩ mô, sự xuất hiện hàng hóa giá rẻ của Temu cũng đe dọa doanh nghiệp sản xuất trong nước vì khó cạnh tranh giá rẻ, giao hàng nhanh.

Tại Việt Nam, sau những ngày Temu gây “sốt xình xịch”, người mua hàng đặt đơn tới tấp thì gần đây, một số người đã than thở về chất lượng hàng hóa từ Temu. Anh Phạm Quang Long (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi mua camera an ninh nhưng thử dùng thấy hình ảnh mờ ảo, không sắc nét, đúng là tiền nào của nấy”.

Trên một số diễn đàn, Temu cũng bị than phiền về việc quảng cáo một đằng, giao hàng một nẻo. Chẳng hạn như trên app giới thiệu mập mờ cả một sản phẩm trọn vẹn gồm nhiều chi tiết nhưng khi giao hàng, người nhận chỉ thấy 1 chi tiết. Ngoài ra, có ý kiến đánh giá giao diện Temu không bắt mắt, còn ít hình thức thanh toán…

Hạn chế tiêu cực từ Temu bằng cách nào?

Tại cuộc tọa đàm mới đây, PGS-TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay: "Thông tin 3 tập đoàn bán lẻ Trung Quốc vào Việt Nam là rất quan trọng và đáng chú ý, họ bán hàng hóa giá rẻ hơn chúng ta, miễn phí ship...". Theo ông Phan Đăng Tuất, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi số và "xanh hóa" sản xuất.

Theo các chuyên gia, chưa bàn tới chuyện cấm hay không cấm Temu tại Việt Nam, tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng, người mua cần xem xét kỹ sản phẩm, các đánh giá trước khi đặt mua. Với hàng có giá trị cao, người mua vẫn cần lưu tâm đến các gói bảo hiểm hoặc các quyền lợi khi mua hàng.

Trong khi đó, với doanh nghiệp, cần cải tiến mẫu mã, tối ưu hóa sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, đồng thời cải thiện mạng lưới logistic để vận chuyển nhanh hơn. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cũng hoàn toàn có thể hợp tác với các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada… để phân phối sản phẩm, thay vì chỉ lo “đối phó”.

Bên cạnh đó, để bảo vệ sản xuất trong nước, Nhà nước cần có chính sách nhằm hạn chế sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Về lâu dài, Nhà nước nên nghiên cứu công cụ thuế để bảo vệ doanh nghiệp nội.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục TMĐT&KTS (Bộ Công Thương) cho hay, trang thương mại điện tử Temu chưa công bố chính thức vào Việt Nam, nhưng người dùng Việt Nam vẫn có thể vào các cửa hàng trên điện thoại, tải app và mua hàng.

Theo vị đại diện này, giá hàng hóa, sản phẩm quá rẻ của Temu cũng là một vấn đề mà cơ quan này quan tâm vì có ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước.

Cục TMĐT&KTS vẫn theo dõi để có biện pháp quản lý phù hợp.