Y phục của vua chúa Triều Nguyễn đã được trưng bày tại khu phố cổ để cho du khách chiêm ngưỡng. Đây là những phục trang dệt theo kích cỡ nguyên bản với chất liệu tương tự trang phục xưa qua bàn tay nghệ nhân tài hoa Vũ Văn Giỏi, người làng Quất Động, Thường Tín, Hà Nội.
Cách đây 350 năm, nghề thêu từ khi được ông Tổ Lê Công Hành (1606-1661) truyền dạy cho con cháu ở Quất Động-Thường Tín, Hà Nội. Trải qua thời gian, tinh hoa của nghề tỏa rộng khắp các làng lân cận. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, hậu duệ những nghệ nhân thêu thôn quê Thường Tín được trưng dụng tới Huế làm các trang phục cung đình như long bào, áo, mũ, hia, hài cho triều Nguyễn (1802-1945).
Để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã quảng bá hình ảnh làng nghề thêu tay thông qua hoạt động văn hóa trong phố cổ. Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay (23-11), du khách được chiêm ngưỡng những chiếc Long bào, Hoàng bào của vua chúa qua đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Dịp này, du khách được trực tiếp tiếp cận nghệ nhân thêu phóng tác tái hiện những bộ trang phục của vua chúa Triều Nguyễn tại đình Đồng Lạc, phố Hàng Đào, nằm ngay trong lòng phố cổ Hà Nội.
Y phục cung đình Triều Nguyễn thu hút đông đảo du khách tham quan
Long bào vua Đồng Khánh được thêu từ chỉ tơ tằm xe 2 chiều,
ngân tuyến viền hoa văn khuy, kim xa đồng mạ vàng
Áo long cổn bằng sa nam màu vàng trầm, thân áo thêu nhiều họa tiết như rồng,
mặt trời, mặt trăng, sao, núi. Vạt thêu rồng, mây, hình sóng nước…
Theo nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, bộ áo đơn giản nhất
cũng cần bốn thợ thêu trong vòng năm tháng.
Y phục Triều Nguyễn chất liệu vải lụa, chỉ thêu bằng tơ tằm
là chính
Áo bào Hoàng tử Triều Nguyễn thêu tay trên chất liệu
sợi tơ tằm. Có ngân tuyến viền khuy, kim xa đồng mạ vàng
Nghề thêu có từ lâu, song giờ đây đang đứng trước nguy cơ mai một
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi ở thôn Đông Cửu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội
đã dày công phục dựng áo vua, trang phục cung đình.
Khung thêu và chỉ thêu để du khách "học nghề" tại phố cổ