Xe tăng T-90M Proryv không thua kém pháo tự hành về hiệu quả hỏa lực gián tiếp

ANTD.VN - Xe tăng T-90M Proryv gây bất ngờ khi được sử dụng như pháo tự hành và nó vẫn thể hiện vai trò rất xuất sắc.

Xét về hiệu quả hỏa lực từ những vị trí kín, xe tăng T-90M Proryv thực tế không thua kém các loại pháo tự hành và vượt trội chúng về khả năng cơ động cũng như độ chính xác.

Các nhà phân tích quân sự nước ngoài lưu ý rằng phương tiện bọc thép của Nga hiện hiếm khi được sử dụng để xuyên thủng hàng phòng ngự kiên cố của đối phương mà chủ yếu thực hiện vai trò hỗ trợ hỏa lực.

"Xe tăng T-90 là một phương tiện chiến tranh 'cực kỳ sang trọng'. Xét về độ chính xác và tốc độ bắn, nó là một 'khẩu súng bắn tỉa' thực sự. Chúng ta có thể tấn công kẻ thù bằng đạn xuyên giáp 125 mm, đạn nhiệt áp và nhiều loại đạn khác".

"Ngay cả các tên lửa có điều khiển cũng đã được sử dụng, bao gồm cả việc chống lại những mục tiêu đang di chuyển", một pháo thủ xe tăng T-90M với mật danh "Bullet" cho biết trong cuộc phỏng vấn hãng tin Rossiyskaya Gazeta.

"Pháo tăng có thể bắn trực diện hoặc bắn từ các vị trí kín theo tọa độ được truyền về từ trung tâm điều khiển hoặc tình báo. Đạn phân mảnh sức nổ cao sẽ tấn công mục tiêu cố định và bộ binh ở khoảng cách lên tới 9000 mét".

"Hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ tự động đưa ra dữ liệu khai hỏa chỉ trong vài giây và xạ thủ chỉ cần bắn một phát là đảm bảo tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao".

"Lần đầu tiên ngồi vào ghế chỉ huy, tôi có cảm giác như mình đang tham gia một trò chơi trên máy tính, khi đánh dấu các mục tiêu trên màn hình bằng ngón tay của mình và bắn", pháo thủ "Bullet" cho biết.

Ngoài ra, thiết bị điện tử mới cho phép tác xạ ở chế độ "thợ săn". Đây là lúc người chỉ huy tiến hành trinh sát mục tiêu và giao khẩu pháo cho xạ thủ để anh ta tự mình xác định mối đe dọa và tiêu diệt chúng. Trong khi đó, trưởng xe chỉ quan sát.

Chức năng theo dõi mục tiêu tự động hai kênh cho phép, bám sát mục tiêu, tăng xác suất tiêu diệt đối tượng lên nhiều lần. Xạ thủ có thể điều chỉnh đường bay của tên lửa dẫn đường thông qua cần điều khiển.

Điều này rất tiện dụng khi mục tiêu đang di chuyển. Thiết bị ngắm ảnh nhiệt cho phép chiến đấu vào ban đêm và với sự trợ giúp của nó, thậm chí có thể nhìn thấy một con chuột đang chạy trên thảo nguyên.

Đồng thời, T-90M Proryv khi bắn từ các vị trí kín có lợi thế hơn so với pháo tự hành. Chiều cao vừa phải của xe tăng khiến máy bay không người lái của đối phương khó phát hiện ra phương tiện.

Động cơ diesel tăng áp V-92S2F có công suất tối đa 1.130 mã lực cho phép "người khổng lồ" nặng 48 tấn này thay đổi vị trí khai hỏa với tốc độ nhanh hơn.

Bên cạnh đó, trạm vũ khí điều khiển từ xa gắn trên tháp pháo với súng máy 12,7 mm cho phép pháo thủ nhắm bắn vào máy bay không người lái tấn công hoặc trinh sát của kẻ thù.

Ngoài ra, không phải đạn pháo hay tên lửa nào cũng có thể vô hiệu hóa T-90M. Ngoài vỏ giáp composite, xe tăng còn được trang bị giáp phản ứng thế hệ thứ ba Relikt, và những điểm đặc biệt dễ bị tổn thương được che phủ bằng lưới chống đạn.

Và kíp chiến đấu trên xe tăng còn vui mừng khi T-90M có máy tính, dễ vận hành và có thể nhanh chóng tăng tốc lên 50 km/h trên địa hình gồ ghề. Lần đầu tiên, một hệ thống sang số tự động với khả năng chuyển đổi thủ công đã được lắp đặt trên chiếc MBT này.

Sự kết hợp giữa vũ khí mạnh mẽ và khả năng bảo vệ hiện đại cho phép T-90M Proryv có thể chiến đấu hiệu quả trước các xe tăng nước ngoài do NATO chế tạo.

"Chúng tôi thậm chí còn hào hứng thử sức với Leopard của Đức hoặc Abrams của Mỹ. Chúng nặng hơn và lớn hơn xe tăng của chúng tôi, do đó sẽ dễ bị bắn trúng hơn", pháo thủ "Bullet" nói thêm.

Ngoài ra yếu tố đảm bảo thành công không chỉ nằm ở đặc tính hoạt động của phương tiện, mà còn là sự phối hợp cũng như huấn luyện của tổ lái. Binh sĩ Nga đang thu được điều này qua kinh nghiệm thực tế trên chiến trường.