Vụ trộm kho báu nghệ thuật ở Đức trong Thế chiến II

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 1945, một sĩ quan Mỹ đã đánh cắp những tác phẩm có giá trị từ bộ sưu tập nghệ thuật quan trọng nhất của Đức Quốc xã và gửi chúng đến Texas. Sau tròn 30 năm bộ sưu tập được trả về cho nước Đức, nhiều chi tiết liên quan đến câu chuyện kỳ lạ này mới được tiết lộ.
Nhà thờ Quedlinburg tiếp đón trung bình 80.000 du khách mỗi năm

Nhà thờ Quedlinburg tiếp đón trung bình 80.000 du khách mỗi năm

Vụ đánh cắp trong thời loạn lạc

Chỉ vài tuần trước khi chế độ Quốc xã ở Đức sụp đổ, Trung úy Joe Tom Meador đã gửi một số bưu kiện từ Quedlinburg thuộc vùng Harz Moutains (Đức) về quê hương Whitewright, Texas (Mỹ). Các đồng đội của Meador tại Tiểu đoàn Pháo binh thiết giáp số 87 trước đó đã nhìn thấy viên Trung úy này liên tục đi ra từ một hang động ngay bên ngoài cổng thành với chiếc áo khoác phồng lên.

Nhờ quân hàm sĩ quan của mình, Trung úy Meador có thể gửi hàng hóa nhạy cảm về nước thông qua dịch vụ bưu chính quân sự mà không bị kiểm tra. Và anh ta đã hướng dẫn người thân về việc xử lý những món đồ: “Hàng về tới nơi thì hãy chăm sóc thật tốt. Tôi nghĩ vỏ ngoài là vàng nguyên chất và đồ trang sức trên vỏ là ngọc lục bảo, ngọc bích và ngọc trai. Đừng hỏi tôi lấy nó ở đâu! Nó có thể rất có giá trị”. Số vật phẩm bao gồm 1 chiếc lược của Henry I - vị vua đầu tiên của Đức, 1 một bản thảo từ thời Trung cổ, một số hộp đựng thánh tích bằng đá pha lê có niên đại hàng thiên niên kỷ. Nhưng có lẽ Meador cũng không biết đó là một trong những kho báu nghệ thuật giá trị nhất ở châu Âu - Kho báu Nhà thờ Quedlinburg.

Những gì xảy ra sau đó là một bí ẩn chưa từng có liên quan đến các thánh tích từ thời Trung cổ và các giao dịch mờ ám trong thời kỳ hỗn loạn của Chiến tranh Lạnh. Theo chia sẻ mới nhất của Linda Herbst và Elmar Egner - hai người phụ trách Phòng quản lý kho báu của Nhà thờ Quedlinburg, kể từ mùa thu năm 2019, họ đã xem xét lời kể của các nhân chứng đương thời và tư liệu trong những ngày hỗn loạn khi đế chế Đức Quốc xã sụp đổ.

Phải nói rằng, thời điểm đó các nhóm cực hữu muốn tham gia vào vụ đánh cắp tác phẩm nghệ thuật. Một điều mâu thuẫn là, ngay trước khi người Mỹ nắm quyền kiểm soát ở Quedlinburg vào giữa tháng 4-1945, quân Đức Quốc xã ở trong thị trấn có biện pháp bảo vệ nơi cất giấu kho báu rất sơ sài. “Chỉ có 2 người đàn ông lớn tuổi với một khẩu súng săn đứng ở phía trước. Nó có thể đủ để khiến người dân bình thường sợ hãi, nhưng rõ ràng không phải là vấn đề với một đơn vị có tổ chức của Đức Quốc xã hoặc Đồng minh” - bà Elmar Egner nói. Nhưng câu hỏi đặt ra là, làm thế nào mà Meador biết chính xác vị trí trong số hàng tá thùng hàng Đức quốc xã đã cất giữ trong hang để tìm các di vật?

Sách phúc âm Quedlinburg - một tác phẩm có từ thế kỷ thứ 9 đang được giữ trong kho báu của nhà thờ Quedlinburg

Sách phúc âm Quedlinburg - một tác phẩm có từ thế kỷ thứ 9 đang được giữ trong kho báu của nhà thờ Quedlinburg

Kho báu trong Di sản thế giới Quedlinburg

Năm 1994, UNESCO công nhận di tích Quedlinburg là Di sản thế giới. Mỗi năm, 80.000 người tìm đến nhà thờ trên đỉnh đồi để tận mắt chiêm ngưỡng kho báu lưu giữ tại đây. Trong số những hiện vật hơn 1.000 năm tuổi có một số vật phẩm được Vua Henry I (mất năm 936) và Hoàng hậu Mathilde mua lại hoặc trưng dụng. Vua Henry I thích vùng đất này nên đã cho xây dựng một nhà nguyện, sau này mở rộng thành nhà thờ cùng kho báu đi kèm. Nơi đây còn là nơi an nghỉ của một số nhân vật từng được phong thánh và hài cốt của họ được cất giữ trong các hộp đựng thánh tích bằng vàng cùng với trang sức. Kho báu cũng chứa cuốn sách từ thời Trung cổ mà ngày nay được coi là vô giá.

Sau thất bại của Đế quốc Phổ trước người Pháp vào năm 1806, toàn bộ kho báu đã nằm trong tay anh trai của Hoàng đế Napoléon Bonaparte trong 6 năm. Nhưng chính Đức Quốc xã đã phạm phải sai lầm ngớ ngẩn nhất. Thủ lĩnh SS Heinrich Himmler, người bị mê hoặc bởi những điều huyền bí, bắt đầu biến nhà thờ Quedlinburg thành một địa điểm sùng đạo của Đức Quốc xã vào năm 1938. Kho báu cất giữ ở đó được chuyển đến một ngân hàng ở trung tâm thị trấn. Năm 1942, bộ sưu tập tổng cộng có 65 hiện vật được chuyển đến động Altenburg ở phía Tây Nam thành phố.

Trung úy Meador đóng quân ở Pháp năm 1944. Sau khi người Mỹ chiếm đóng Quedlinburg vào ngày 19-4-1945, lính Mỹ đã canh gác lối vào các hang động. Tuy nhiên, đại diện của thành phố Quedlinburg vẫn cố gắng duy trì quyền kiểm soát đối với những vật có giá trị được giấu bên trong. Phải nói rằng, có lần số hiện vật được chuyển ra phía trước hang động vì thông gió tốt hơn và nguy cơ nấm mốc không lớn.

Vậy là các di vật hàng nghìn năm tuổi đột nhiên dễ tiếp cận hơn nhiều so với khi chúng được giữ sâu hơn bên trong hang động. Theo nghiên cứu của chuyên gia Egner và Herbst, trong những tuần hỗn loạn của tháng 4 và 5-1945, có một cuộc cạnh tranh bí mật rằng ai sẽ là người đầu tiên tiếp cận kho báu. Vào ngày 18-5-1945, cơ quan lưu trữ thành phố Quedlinburg trong một cuộc kiểm tra định kỳ phát hiện 12 trong số những món đồ có giá trị nhất đã bị mất. Quân đội Mỹ mở cuộc điều tra về vụ việc, nhưng số lính Mỹ đồn trú tại đây đã rút đi vào tháng 7-1945.

Thời gian cứ thế trôi, cho đến tháng 10-1988, cuốn sách phúc âm Quedlinburg đã được rao bán cho thư viện bang ở Tây Berlin với giá 8 triệu USD. Cuốn sách được gọi là Samuhel Evangeliar - một bản viết tay thế kỷ thứ 9 bằng mực vàng trên giấy da dưới triều đại Carolingian. Đó là đồ vật có giá trị nhất trong số những đồ vật bị đánh cắp từ Kho báu Nhà thờ Quedlinburg vào mùa xuân năm 1945. Một cặp vợ chồng người Mỹ tự giới thiệu mình là chủ sở hữu cuốn sách nhờ thừa kế. Cặp đôi này không ai khác là anh em của Trung úy Meador.

Đưa di sản trở về

Thật không may, Quedlinburg khi đó nằm ở Đông Đức. Bộ Văn hóa Đông Đức không đủ tiền mua lại và cũng không muốn nhận tiền từ Tây Đức. Chỉ 2 năm sau, vụ án lại có một bước ngoặt đáng ngạc nhiên. Lần này, một người Bavaria đã chào bán cuốn sách có phần bìa trang trí bởi những viên đá quý với “phí tìm kiếm” khoảng 5 triệu mác Đức. Thời điểm đó, do Bức tường Berlin đã sụp đổ nên Quỹ Văn hóa Liên bang đã chớp ngay thời cơ để mua lại.

Trong khi đó, một luật sư người Đức và một nhà báo của tờ New York Times đã bắt đầu tìm kiếm ở Mỹ những món đồ bị đánh cắp từ Quedlinburg. Sau nhiều tháng, họ đã phát hiện ra manh mối ở Whitewright, Texas. Tuy nhiên, nhân vật mục tiêu Joe Tom Meador đã qua đời từ năm 1980. Theo lời kể, ban đầu ông Meador cất những đồ vật từ Quedlinburg trong tủ quần áo, sau đó chuyển đến chiếc két sắt tại cửa hàng kim khí tiếp quản từ cha mình.

Người đàn ông này tự hào trưng bày các đồ vật cho mọi người tham quan, nói rằng ông đã “giải phóng chúng ở Đức”. Theo đánh giá, cựu quân nhân này có một cuộc sống khá khiêm tốn và mặc dù đã học về giáo dục nghệ thuật trước chiến tranh, nhưng không rõ liệu ông Meador có bao giờ nhận ra giá trị của những vật phẩm mang về từ Đức hay không. Như với cuốn sách phúc âm Quedlinburg huyền thoại, ông tâm sự với người quen: “Tôi thích nhìn nó và vuốt lên tờ giấy bằng da. Chỉ đơn giản là ngưỡng mộ nó”.

Đối với những người phụ trách kho báu như Elmar Egner và Linda Herbst, những bằng chứng như vậy chứng tỏ rằng ông Meador không bao giờ quan tâm đến tiền bạc. Nhưng anh chị em của ông ta, những người được thừa hưởng kho báu, lại rất muốn bán chúng. Theo luật của bang Texas, việc kiện một món đồ tranh chấp quyền sở hữu chỉ có thời hiệu 2 năm, nghĩa là chính quyền Quedlinburg lẽ ra phải nộp đơn khiếu nại trước năm 1982 (2 năm sau cái chết của ông Meador). Tuy nhiên, thời gian đó không ai ở Đức biết rằng những hiện vật quý giá lại được tìm thấy trong một ngôi nhà ở vùng nông thôn Texas. Do đó, những người thừa kế của ông Meador có thể cảm thấy an toàn khi rao bán cuốn sách phúc âm ở Đức.

Nhưng số phận cuối cùng đã nghiêng về phía các nguyên đơn người Đức. Sau năm 1990, thị trường nghệ thuật toàn cầu dường như đã biết đến vụ việc và không ai muốn dính dáng đến một kho báu được cả thế giới săn lùng. Đó là lý do tại sao những người thừa kế của ông Meador đồng ý thỏa thuận. Đối với khoản thanh toán tương đối khiêm tốn là 912.500 USD, phần lớn các di vật bị đánh cắp đã được trả lại cho Quedlinburg vào năm 1993. Nhưng 2 trong số 12 tác phẩm mà Meador gửi về Texas vẫn chưa tìm ra tung tích.