Ngăn chặn thông tin sai lệch liên quan đến vụ ám sát Thủ tướng Slovakia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong nỗ lực ngăn chặn các thông tin sai lệch xoay quanh video ghi hình vụ Thủ tướng Slovakia Robert Fico bị ám sát và nguyên nhân gây án, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới, trong đó có Facebook và TikTok, tăng cường xử lý.

Nhiều thông tin chưa được xác nhận và không chính xác

Thủ tướng Fico đã bị bắn 5 phát ở thị trấn Handlova khi ông đang chào hỏi những người ủng hộ sau cuộc họp chính phủ. Video lan truyền trên mạng cho thấy, một người đàn ông giơ súng trước khi Thủ tướng ngã xuống một đám cỏ. Sau đó, ông Fico được đội an ninh đưa vào ô tô đi cấp cứu. Thủ phạm được xác định là một người hưu trí 71 tuổi và là một nhà thơ nghiệp dư.

Nghi phạm Juraj Cintula, 71 tuổi, bị bắt giữ

Nghi phạm Juraj Cintula, 71 tuổi, bị bắt giữ

Trong một video đăng trên Facebook và được Reuters xác minh, kẻ bị cáo buộc xả súng cho biết, ông ta phản đối các cuộc tấn công nhằm vào đài truyền hình công cộng và thẩm phán ở Slovakia. Ông này tuyên bố: “Tôi không đồng ý với chính sách của chính phủ”. Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matus Sutaj-Estok mô tả thủ phạm là “con sói đơn độc”, người “bị cực đoan hóa gần đây, sau cuộc bầu cử Tổng thống”. Ông Sutaj-Estok cũng cho biết nghi phạm đã khai với cảnh sát rằng anh ta bị thúc đẩy bởi các chính sách của Thủ tướng Fico liên quan đến việc bãi bỏ văn phòng công tố viên đặc biệt và cải cách đài truyền hình dịch vụ công, cũng như quyết định ngừng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, vụ ám sát và động cơ của nghi phạm đang bị đủ mọi đối tượng lợi dụng trên mạng xã hội. Nhiều tài khoản đăng ký dịch vụ Premium trên nền tảng X được phép kiếm tiền từ nội dung đã ngay lập tức lan truyền thông tin chưa được xác nhận và cực kỳ không chính xác về vụ nổ súng. Trong khi các đồng minh của ông Fico gọi vụ ám sát là “có động cơ chính trị”, những người khác lại đổ lỗi cho “truyền thông tự do” về vụ tấn công.

Không ít người cho rằng, vụ tấn công có liên quan đến lập trường của ông Fico đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Bên cạnh đó, Thủ tướng Fico là người thẳng thắn chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới về cách xử lý đại dịch Covid-19, các nhóm và kênh chống vaccine cũng nhanh chóng đưa ra thông tin rằng ông Fico bị bắn vì lập trường chống vaccine. Nhiều tài khoản X khác thì đổ lỗi vụ ám sát cho người Do Thái, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và người Hồi giáo. “Twitter đã trở thành một mớ thông tin sai lệch vô ích xung quanh vụ xả súng vào ông Robert Fico”, ông John Scott-Railto - nhà nghiên cứu cấp cao tại Citizen Lab viết trên nền tảng X. Ông mô tả: “Hãy thử tìm kiếm tên của ông ấy, gần như toàn bộ kết quả hàng đầu mà tôi nhận được đều là những thuyết âm mưu trái ngược nhau”.

Giải thích về hiện tượng này, ông Milan Nic, chuyên gia về Trung và Đông Âu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức cho biết: “Trong thời đại hiện nay, khi rất nhiều sự thất vọng và phẫn nộ được tích tụ sau đó được truyền thông xã hội khuếch đại, thì ngày càng có nhiều sự nhầm lẫn”. Hệ quả là theo các nhà nghiên cứu, các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia ngày càng trở nên phổ biến ở châu Âu. Không chỉ ở Slovakia, hai chính trị của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã bị tấn công bên ngoài tòa nhà nghị viện bang tại thành phố Stuttgart vào ngày 8-5 và bị thương nhẹ. Sau vụ tấn công ông Fico, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết ông đã nhận được lời đe dọa sát hại thông qua nền tảng X.

Biện pháp ngăn chặn thông tin sai lệch trên mạng

Đây không phải là lần đầu tiên thông tin sai lệch trên mạng khiến EU phải đau đầu. Phó Giám đốc kiểm tra thực tế của Đài Quan sát truyền thông kỹ thuật số châu Âu (EDMO) Tommaso Canetta cảnh báo: “Âm thanh do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra có thể truyền đi như thật do thiếu manh mối trực quan”. Trong cuộc bầu cử ở Slovakia năm 2023, ông Michal Simecka - lãnh đạo Đảng Cấp tiến đã trở thành nạn nhân của một chiến dịch đưa thông tin sai lệch với đoạn ghi âm giả ghi lại việc ông thảo luận về việc gian lận phiếu bầu với một nhà báo. Một hành vi giả mạo khác do AI thúc đẩy đang gây lo ngại ngày càng tăng là việc tạo ra các nội dung khiêu dâm nhằm chống lại các ứng cử viên nữ. Theo BBC, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni là một nạn nhân của những vụ này và đang đòi bồi thường lên đến 100.000 euro.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) sắp diễn ra vào tháng 6 tới, EU đang đặc biệt lo ngại về thông tin sai lệch và những vấn đề do AI tạo ra. Tháng 3-2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra khuyến nghị với các nền tảng kỹ thuật số có hơn 45 triệu người dùng mỗi tháng ở các quốc gia EU nhằm giảm thiểu rủi ro từ hệ thống trực tuyến có thể ảnh hưởng đến tính xác thực của các cuộc bầu cử. Hầu hết các đảng chính trị ở châu Âu đã ký quy tắc ứng xử cho cuộc bầu cử vào EP với cam kết “không sản xuất, sử dụng hoặc phổ biến nội dung sai lệch”. Tuy nhiên, hiện tại không có hệ thống hoàn hảo để phát hiện chúng.

Một số nền tảng truyền thông xã hội đã thực hiện các biện pháp để tăng cường giám sát thông tin sai lệch trong bầu cử EP. TikTok đã thành lập một trung tâm bầu cử trực tuyến của EU, làm việc với 15 tổ chức xác minh tính xác thực trên khắp thế giới và hỗ trợ hơn 40 ngôn ngữ. Meta cũng đang thành lập trung tâm điều hành riêng cho cuộc bầu cử EP để xác định các mối đe dọa tiềm ẩn và đưa ra các biện pháp giảm thiểu. Trong một tuyên bố riêng, công ty mẹ của Facebook cho biết, họ có kế hoạch bắt đầu dán nhãn nội dung do AI tạo ra. Google thì thành lập lực lượng đặc nhiệm chống thông tin sai lệch và đang chuẩn bị triển khai một chiến dịch tại 5 quốc gia EU.

Về lâu dài, EU đã thông qua nhiều biện pháp ngăn chặn thông tin sai lệch trên mạng. Tháng 8-2023, EU đã triển khai Đạo luật dịch vụ số (DSA) buộc chủ sở hữu các nền tảng xã hội phải hạn chế những thông tin sai lệch và các nội dung tiêu cực như các bình luận mang tính thù địch, các nội dung cổ vũ khủng bố và quảng cáo các sản phẩm không an toàn. Bắt đầu từ tháng 3-2024, Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU chính thức có hiệu lực. Theo đạo luật mới, EU yêu cầu 6 công ty Big Tech gồm Amazon, Apple, Microsoft, Alphabet, Meta và ByteDance (công ty mẹ của TikTok) phải thực hiện những thay đổi đáng kể đối với dịch vụ của họ ở 27 nước thành viên của khối này. Trong nhiều năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã có lập trường cứng rắn đối với các công ty Big Tech và cho rằng, các công ty này hiện đang nắm giữ quá nhiều quyền kiểm soát truy cập vào các dịch vụ thiết yếu của người dùng.

Việc các công ty công nghệ không tuân thủ các quy định của đạo luật DMA có thể bị phạt nặng đến 10% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm các quy định về cạnh tranh nghiêm ngặt nhất, và thậm chí đến 20% nếu tái phạm hoặc bị cấm hoạt động trong khối. Mặc dù đạo luật chỉ áp dụng trong EU, nhưng các hình phạt trong đạo luật có khả năng thay đổi cuộc chơi, và tác động mạnh mẽ đến các công ty Big Tech cũng như cách người dùng sử dụng Internet.

Với hai đạo luật DMA và DSA, EU đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới mà các nền tảng trực tuyến không còn có thể tự đặt ra quy định của riêng mình. Đây là những bước đi tiên phong cho các nỗ lực quản lý không gian kỹ thuật số không biên giới hiện nay, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển lành mạnh và ổn định.

Hé lộ động cơ của nghi phạm ám sát Thủ tướng Slovakia

Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matuss Sutaj Estok cho biết, nghi phạm khiến Thủ tướng Robert Fico bị thương nặng hôm 15-5 là người chỉ trích gay gắt việc Slovakia quyết định ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thủ tướng Fico đã bị bắn nhiều phát đạn ở cự ly gần vào ngày 15-5 khi ông bắt tay đám đông người ủng hộ ở thị trấn nhỏ Handlova. Kẻ tấn công ngay lập tức bị bắt giữ và Thủ tướng Slovakia được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Chính quyền địa phương trước đó cho biết có “động cơ chính trị rõ ràng” đằng sau vụ tấn công này.

Báo chí đưa tin, kẻ tấn công tên Juraj Cintula, 71 tuổi, được cho là người sáng lập Hội Nhà văn Slovakia và là người ủng hộ đảng đối lập Cấp tiến Slovakia. Bộ trưởng Nội vụ Sutaj Estok xác nhận thông tin trên truyền thông trước đó rằng “nghi phạm bị buộc tội cố ý giết người”, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là “hành động có động cơ chính trị”. Theo Bộ trưởng Sutaj Estok, nghi phạm đã theo sát các sự kiện trong nước và quốc tế, đồng thời phản đối một số chính sách của chính phủ, bao gồm việc đóng cửa Văn phòng Công tố đặc biệt và đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông Fico - người chỉ trích lập trường của phương Tây về cuộc xung đột Ukraine - đã vận động tranh cử với lời hứa cắt giảm việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Lời hứa này đã được ông thực hiện sau khi lên nắm quyền Thủ tướng Slovakia sau cuộc bầu cử vào mùa thu năm ngoái.

“Ông ta nêu lý do không đồng tình với chính sách của chính phủ và tại sao ông ta quyết định ám sát Thủ tướng”, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia nói, đồng thời mô tả kẻ tấn công là “sói đơn độc”, không liên kết với bất kỳ nhóm nào. Ông Estok lưu ý rằng hành động của nghi phạm một phần được đẩy nhanh sau chiến thắng gần đây của ông Peter Pellegrini, một đồng minh của ông Fico, trong cuộc bầu cử Tổng thống Slovakia. Nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm Zuzana Caputova, được cho là thân phương Tây, sẽ kết thúc vào tháng tới. Cả ông Pellegrini và Tổng thống Caputova đều lên án vụ tấn công, mô tả vụ việc là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Hoàng Cường (Theo RT)