Vụ sập tường làm 5 người chết ở Bình Định: Trách nhiệm thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ sập tường do kết cấu chịu lực không đảm bảo làm 5 người chết, 6 người bị thương tại nhà máy Savvy Seafood ở KCN Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, điều được dư luận quan tâm là trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Làm rõ nội dung trên Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng vụ sập tường làm 5 người chết, 6 người bị thương tại nhà máy Savvy Seafood gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến nhiều người thương vong. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan quá trình thiết kế, thi công, giám sát công trình.

Cũng theo Luật sư Thu, vụ việc trên có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 BLHS 2015.

Điều luật này quy định, người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác làm chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên… thì bị phạt tiền từ 50- 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm - Luật sư Thu nhấn mạnh.

Hiện trường vụ sập tường làm 5 người chết ở Nhà máy Savvy Seafood, tỉnh Bình Định

Hiện trường vụ sập tường làm 5 người chết ở Nhà máy Savvy Seafood, tỉnh Bình Định

Đối với vụ việc xảy ra tại Nhà máy Savvy Seafood, nguyên nhân ban đầu khiến bức tường của nhà máy đổ sập được xác định là do kết cấu chịu lực không đảm bảo. Do vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc giám sát, thi công, nghiệm thu đối với bức tường này.

Nếu nguyên nhân gây sập tường do sự cẩu thả, vô ý của công ty hoặc nhà thầu công trình thì ngoài việc bị xử lý hình sự, tổ chức, cá nhân liên quan còn phải bồi thường cho các nạn nhân.

Theo Điều 590 BLDS 2015, chi phí bồi thường về vật chất đối với những người bị thương gồm các khoản như chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại hay phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại...

Với những nạn nhân tử vong, chi phí bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng...

Trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc bồi thường, số tiền bồi thường tối đa là 74,5 triệu đồng ( khi sức khỏe bị xâm phạm) và 149 triệu đồng (khi tính mạng bị xâm phạm).

Còn nếu kết quả xác minh cho thấy, việc đổ tường là tình huống bất khả kháng, nằm ngoài dự đoán và do yếu tố khách quan gây ra thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra - Luật sư Thu nhận định.