Vũ khí siêu thanh Mỹ chưa vượt qua được giới hạn công nghệ... từ năm 1950

ANTD.VN - Chuyên gia quân sự Nga khẳng định, vũ khí siêu thanh Mỹ chưa thể vượt qua giới hạn từ những năm 1950 và họ còn phải nỗ lực nhiều trong tương lai.

Vũ khí siêu thanh Mỹ bị nhận xét vẫn chưa vượt qua được giới hạn của "bức tường công nghệ" xác lập từ những năm 1950 và đang tụt hậu rất xa so với Nga, thậm chí cả với Trung Quốc.

Không quân Mỹ chưa thể nhận được tên lửa siêu thanh AGM-183A (ARRW) vào năm 2022, điều này là do việc cắt giảm ngân sách quân sự đã được quốc hội nước này thông qua. Đặc biệt trong đó giảm một nửa chi tiêu cho chương trình phát triển tên lửa siêu thanh.

Ban đầu Không quân Mỹ yêu cầu khoảng 161 triệu USD để mua 12 tên lửa AGM-183A từ Lockheed Martin, tuy nhiên họ sẽ chỉ nhận được khoảng 80 triệu USD. Nhưng thậm chí số tiền này còn được dùng để mở rộng chương trình thử nghiệm tên lửa siêu thanh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitRussia, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, Tiến sĩ Khoa học Quân sự - Đại tá Konstantin Sivkov cho rằng trên thực tế, các nghị sĩ Mỹ đã có quyết định đúng đắn.

Lý do đơn giản là bởi vì hiện nay Quân đội Mỹ là không có bất kỳ tên lửa siêu thanh nào, và việc phân bổ số lượng cần thiết cho nhu cầu của Không quân Mỹ sẽ là một sự lãng phí ngân sách tầm thường.

“Tôi nghĩ rằng Quốc hội Mỹ đã xem xét yêu cầu của quân đội đối với việc mua các tên lửa chưa tồn tại và quyết định sử dụng số tiền này cho một số nhu cầu khác cần thiết hơn".

"Tại sao tên lửa của họ không tồn tại. Chúng tôi chỉ biết một số thử nghiệm đã kết thúc bằng thất bại. Điều này có nghĩa là hiện tại Không quân Mỹ chẳng sở hữu một tên lửa nào như vậy cả”, chuyên gia Sivkov nhận xét.

Thật vậy, nếu chúng ta nói về các đợt phóng thử nghiệm của ARRW thì gần như tất cả chúng đều thất bại, cuộc thử nghiệm cuối cùng của tên lửa đã diễn ra vào tháng 12/2021 và chưa có kế hoạch cho lần tiếp theo.

Trong vụ thử gần đây, tên lửa được phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52, dự kiến sau khi rời phi cơ, nó sẽ phải tăng tốc tới tốc độ Mach 5 (gấp năm lần tốc độ âm thanh).

Tuy nhiên như Không quân Mỹ đưa tin sau đó, do sự cố không xác định, trình tự phóng đã bị gián đoạn ngay trước khi tên lửa được phóng đi. Nói cách khác, máy bay ném bom thậm chí không thể kích hoạt quả đạn

Phần còn lại của các thử nghiệm kết thúc tốt hơn một chút - ví dụ, trong một số trường hợp, tên lửa vẫn tách khỏi máy bay nhưng động cơ của nó không khởi động. Theo ông Sivkov, những khó khăn như vậy là một hiện tượng bắt buộc nảy sinh ở giai đoạn sản xuất tên lửa.

Và sớm hay muộn, mọi vấn đề nhỏ nhặt trong tên lửa của Mỹ sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên vẫn phải nói về vấn đề chính của ARRW - tốc độ bay cực thấp Mach 5 khiến chúng ta coi AGM-183A chỉ là một tên lửa siêu thanh trên danh nghĩa.

“Hãy ngay lập tức thảo luận rằng con số Mach 5 là giới hạn dưới của vùng tiêu diệt đối với các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 và S-500 của chúng tôi. Do vậy nếu nói về tên lửa này như một vũ khí răn đe thì quả là điều nực cười".

"Không một tên lửa đạn đạo nào có thể bay lên khỏi mặt đất nếu tốc độ ban đầu của nó nhỏ Mach 5. Sẽ tốt hơn nếu là Mach 6, bởi vì chỉ trong trường hợp này quả đạn mới có thể vượt qua lực hấp dẫn của trái đất".

"Ngoài ra một tên lửa siêu thanh không nên tăng tốc lúc bắt đầu mà phải là trên đường bay. Lúc này nó sẽ được tăng tốc đến tốc độ Mach 5 - 6, và sau đó phải đạt ít nhất Mach 10 khi bay trong không khí”, chuyên gia Sivkov giải thích.

Theo ông Sivkov, tên lửa có khả năng đạt tốc độ Mach 5 xuất hiện từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Tuy vậy vũ khí siêu thanh không phải trông chờ cả vài khả năng tăng tốc đến bao nhiêu mà còn là độ cơ động trong toàn hành trình bay.

Đây chính là điểm cốt lõi của công nghệ, cung cấp khả năng chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa. Nếu tên lửa không cơ động thì địch thừa cơ hội tính toán chính xác đường bay và đưa tên lửa đánh chặn tới để tiêu diệt.

Trong khi đó, tên lửa được goi là siêu thanh của Mỹ hiện vẫn chưa có tính năng này, bởi vậy theo chuyên gia quân sự Nga, Washington chưa vượt qua "bức tường công nghệ" đã có từ cách đây... 70 năm.