Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Những “điểm nhấn” trong quá trình tranh tụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau 10 ngày làm việc (kể từ ngày 11 đến 22-7), phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án ''chuyến bay giải cứu'' đã kết thúc phần xét hỏi, tranh luận và đi vào giai đoạn nghị án kéo dài. Ngày 28-7 tới đây, Tòa án Hà Nội sẽ đưa ra các phán quyết về vụ án.

Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) dành 4 ngày làm việc đầu tiên để xét hỏi các bị cáo, người liên quan và nhân chứng… Ngày 21-7, Viện kiểm sát (VKS) đưa ra quan điểm luận tội và đề nghị các mức án cụ thể đối với từng bị cáo, đồng thời mở đầu cho giai đoạn tranh luận thẳng thắn, dân chủ trong suốt 4 ngày liên tục. Sau đó, các luật sư, bị cáo đã đưa ra quan điểm bào chữa.

Một hình thức tham nhũng rất nguy hiểm

Nhìn chung, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi bị truy tố và chỉ trình bày về hoàn cảnh dịch bệnh, việc cấp phép chuyến bay không có quy trình cụ thể, chưa từng có tiền lệ và đề nghị được xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ngoài các tình tiết đã được các cơ quan tố tụng ghi nhận.

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Bào chữa cho các bị cáo, phần lớn luật sư đều đưa ra nhiều lý do biện minh như: hành vi nhận tiền hối lộ của thân chủ là không có sự hứa hẹn, thỏa thuận. Việc nhận hối lộ là do các bị cáo nhóm tội “Đưa hối lộ” chủ động đưa để bày tỏ sự cảm ơn, chia sẻ lợi nhuận. Cá biệt, đối với một số bị cáo bị xác định và thừa nhận có việc đòi hỏi, gợi ý hoặc gây khó dễ để doanh nghiệp buộc phải đưa tiền thì luật sư bào chữa theo hướng thay đổi tội danh, cho rằng chủ thể của tội “Nhận hối lộ” không thỏa mãn nên không cấu thành tội danh này. Tuy nhiên, khi đề nghị đổi tội danh thì lại rơi vào tội danh mà ở đó chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Điều này là sai căn bản về mặt pháp luật, và đã được chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Vũ Quang Huy kịp thời “uốn nắn”.

Trước các quan điểm nêu trên của các luật sư, bị cáo, khi đối đáp, đại diện VKS nhấn mạnh, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ để tạo điều kiện cấp phép các chuyến bay theo yêu cầu của người đưa tiền. Hành vi đưa, nhận tiền diễn ra xuyên suốt trong thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1-2022. Các bị cáo đưa, nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ công việc làm ăn hay góp vốn kinh doanh gì với nhau nên không thể có những món quà “cảm ơn” có giá trị rất lớn và bất thường “tiền tỉ” nếu như không làm việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền.

Theo VKS, việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là “ngầm định”, mặc định, được xác định là “cơ chế cảm ơn” theo lời khai của các cá nhân đại diện doanh nghiệp và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Các bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, biết rõ hành vi đưa - nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội là “cố ý” chứ không phải “vô ý”. Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc cho doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng cao giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào việc “bôi trơn”. Người phải chịu thiệt thòi ở đây là những công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn và mong muốn được về nước.

Nhìn nhận về hành vi phạm tội, VKS cho rằng các bị cáo có hành động trục lợi từ chính sách đúng đắn, nhân đạo của Nhà nước, tạo ra cơ chế “xin – cho”, tạo ra “liên minh lợi ích” để kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân. ''Đây là một hình thức tham nhũng rất nguy hiểm'' - VKS khẳng định. Thậm chí đối với quan điểm bào chữa của luật sư cho bị cáo Phạm Trung Kiên còn bị VKS đánh giá là lệch lạc, vô cảm trước những đau khổ, mất mát to lớn của đồng bào. VKS nhấn mạnh, hành vi của các bị cáo là phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ. Cáo trạng đã quy kết là có căn cứ, đúng pháp luật.

Áp dụng nhiều biện pháp điều tra

Từ đầu phiên tòa tới khi HĐXX nghị án, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ Công an) liên tục khẳng định mình bị oan… Bị cáo Hưng bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với khoản tiền 800.000 USD khi hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Công ty Bluesky) nhờ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn tìm người giúp ''chạy án''.

Toàn cảnh 1 phiên xét xử

Toàn cảnh 1 phiên xét xử

Trong phần đối đáp của mình, VKS nhấn mạnh việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với bị cáo đã được Cơ quan ANĐT và VKS thực hiện hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, đúng các quy định của pháp luật. VKS dẫn chứng 3 lần ghi lời khai của bị cáo trước khi khởi tố, sau khi bắt tạm giam đã 8 lần hỏi cung, 2 đối chất và trong giai đoạn truy tố phúc cung 2 lần. VKS đã đánh giá trên toàn bộ hệ thống chứng cứ, do việc bị cáo Tuấn đưa tiền cho bị cáo Hưng chỉ có 2 người biết. Trong khi bị cáo Tuấn đã khai nhận, bị cáo Hưng không khai nhận nên đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra, qua đó có thể tổng hợp các hành vi khách quan của bị cáo Hưng để xác định ý thức chủ quan của bị cáo.

Theo VKS, bị cáo Sơn, Tuấn, Hưng bị tạm giam ở 3 nơi cách xa, bị cáo Hằng được tại ngoại nhưng lời khai của bị cáo Hằng, Sơn, Tuấn đều phù hợp với nhau, phù hợp với diễn biến điều tra vụ án. Đặc biệt, có những thông tin liên quan đến quá trình điều tra vụ án nếu Hưng không nói thì Tuấn, Hằng, Sơn không thể biết.

VKS cũng nêu chứng cứ, tài liệu trong vụ án cho thấy bị cáo Hưng chỉ khai báo nhỏ giọt những gì CQĐT đưa ra và không thể chối cãi. Tại phiên tòa, VKS cũng đã công bố dữ liệu camera cho thấy bị cáo Hưng đã nhận chiếc cặp vali do bị cáo Tuấn chuyển đến rồi đưa lên xe ô tô đang chờ sẵn. VKS cho rằng, bị cáo Hưng quanh co, chối tội, có thái độ không phù hợp, xúc phạm CQĐT, VKS, gây áp lực với bị cáo khác… Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm luận tội và đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện, xem xét thái độ, mức độ phạm tội và cân nhắc ra một bản án nghiêm minh đúng pháp luật.

VKS đề nghị mức án giảm nhẹ hơn cho một số bị cáo

Sau quá trình các luật sư nêu quan tranh luận, tại phần đối đáp, VKS đã có những điều chỉnh trong việc đề nghị mức án đối với một số bị cáo, được giảm 1 năm tù so với mức án đề nghị trước đó. Các bị cáo được giảm mức án đề nghị án gồm: Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch Hà Nội) bị đề nghị 3-4 năm tù; Trần Văn Dự (cựu Cục phó Cục Quản lý Xuất nhập cảnh) bị đề nghị 8-9 năm tù; bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) bị đề nghị 3-4 năm tù và bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam) 7-8 năm tù.

Ở nhóm tội “Đưa hội lộ”, VKS cũng đề nghị cho một số bị cáo được hưởng án treo thay vì tù giam như đề nghị trước đó, gồm: bị cáo Vũ Thùy Dương - Giám đốc Công ty Lữ hành Việt; Phạm Bá Sơn - nhân viên Công ty Thái Hòa; Tào Đức Hiệp - Công ty Công đoàn Đường sắt, nâng tổng số bị cáo được đề nghị hưởng án treo len 5 bị cáo. Với nhóm tội “Môi giới hối lộ”, VKS đề nghị xử phạt Trần Quốc Tuấn (Công ty Vitrato) 2- 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu PGĐ Công an Hà Nội) đã khắc phục toàn bộ hậu quả nên VKS đề nghị xử phạt từ 5 – 6 năm thay vì 6-7 năm như đề nghị trước đó.