Vụ chìm tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô tại bờ biển Bermuda

ANTD.VN - Ngày 3-10-1986, tàu ngầm hạt nhân K-219 của Liên Xô ở ngoài khơi bờ biển Bermuda (Đại Tây Dương) bỗng bốc cháy và chìm. Các đầu đạn nhiệt hạch và lò phản ứng hạt nhân của con tàu đã bị hỏng. Đây là một trong những sự cố nguy hiểm nhất trong Chiến tranh Lạnh và nguy cơ của nó có thể kéo dài tới 24.000 năm.

Hôm đó, K-219 đang di chuyển cách đảo Bermuda khoảng 600 dặm về phía Đông Bắc. Con tàu được thiết kế để mang các tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân. Như một phần trong hoạt động răn đe hạt nhân của Liên Xô, nó có thể bắn thẳng vào nước Mỹ. Khi bị đắm, các đầu đạn nhiệt hạch và lò phản ứng hạt nhân của K-219 có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường khủng khiếp đối với con người.

Tàu ngầm K-129 bị hư hại bên mạn phải theo ảnh chụp từ một máy bay tuần tra P-3C Orion của Hải quân Mỹ

Tai nạn khi đang tập trận

Một tháng sau khi rời căn cứ tàu ngầm Gadzhiyevo của Hạm đội Phương Bắc (Liên Xô), K-219 tiến hành tập trận để sẵn sàng cho tình huống có thể phải phóng tên lửa đầu đạn hạt nhân về vùng biển phía Đông nước Mỹ. K-219 là tàu ngầm lớp Yankee - đây là một định danh tình báo của NATO ám chỉ sự tương đồng của nó với các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp George Washington của Hải quân Mỹ. Không giống như các tàu ngầm mang tên lửa của Liên Xô trước đây, tàu ngầm lớp Yankee cất giữ các tên lửa ngắn hơn, nhỏ gọn hơn ở phần thân sau.

Dài 128m, rộng 12m, tàu ngầm Liên Xô được ví như một “kẻ săn mồi” mảnh mai nhưng được trang bị hạt nhân. K-219 có độ sâu lặn tối đa là 314m và thủy thủ đoàn khoảng 120 người. Được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân OK-700 công suất 90 megawatt, nó có thể di chuyển ở tốc độ 27 hải lý/giờ khi lặn và tầm hoạt động chỉ bị giới hạn bởi việc tiếp tế thức ăn, nước uống.

K-219 cũng được trang bị vũ khí mạnh mẽ, ngoài 6 ống phóng ngư lôi 533mm và 18 ngư lôi, nó còn mang theo 16 tên lửa đạn đạo R-27U (SLBM). Mỗi quả tên lửa này có tầm bay 1.900 dặm và sai số bắn trúng là 1,2 dặm. Do độ chính xác tương đối kém nên đòi hỏi đầu đạn phải lớn, kết quả là mỗi tên lửa mang 1 đầu đạn nhiệt hạch 1 megaton hoặc 3 đầu đạn 200 kiloton riêng lẻ. Để minh họa cho sức mạnh hủy diệt của K-219 thì 1 megaton tương đương với 1.000 kiloton. Quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) được đánh giá chỉ từ 16 - 17 kiloton.

Vào ngày 3-10-1986, K-219 đang chìm ở biển Sargasso thì một vụ rò rỉ nhiên liệu tên lửa gây ra một vụ nổ. Sau khi chiến đấu với vụ nổ và hỏa hoạn, thủy thủ đoàn cũng buộc phải đóng các lò phản ứng theo cách thủ công, một quy trình tiêu chuẩn trên tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân để ngăn ngọn lửa xâm nhập vào các lò phản ứng. Vụ tai nạn khiến 4 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng (một người thiệt mạng trong khi đóng lò phản ứng) và một số người khác bị thương.

Nguy cơ kéo dài ít nhất 24.000 năm

Sau 3 ngày, tàu thương mại Krasnogvardeysk của Liên Xô đã kéo nó vào gầm. Tuy nhiên, cáp kéo đột ngột bị đứt và K-219 chìm ở độ sâu hơn 5.000m. Trong các cuộc thảo luận ở cấp cao, các quan chức Liên Xô tuyên bố họ tin rằng thân tàu sẽ nổ ở độ sâu 700m. Vụ tai nạn làm Liên Xô mất ít nhất 16 đầu đạn nhiệt hạch cũng như 2 lò phản ứng hạt nhân.

Đô đốc Vladimir Chernavin - người đứng đầu Hải quân Liên Xô khi đó giải thích rằng, plutonium trên mỗi đầu đạn hạt nhân được chứa trong các quả cầu kim loại. Các quả cầu này sẽ dần dần bị ăn mòn trong nước muối và “dẫn đến sự lan rộng của phóng xạ”. Tuy nhiên, phóng xạ sẽ bị hạn chế và sẽ không chạm tới bề mặt nước biển. Ông Chernavin cũng giải thích rằng, 2 lò phản ứng sẽ bị ăn mòn và làm tràn phóng xạ, nhưng “điều đó sẽ xảy ra rất chậm, trong nhiều thập kỷ”.

Plutonium khi giải phóng vào đại dương sẽ gây ra thảm họa sinh thái, đe dọa môi trường và các tuyến đường biển vận chuyển gần đó. Nhưng Plutonium phân hủy rất chậm, với chu kỳ bán rã là 24.000 năm, một nửa phóng xạ thải ra đại dương sẽ còn tồn tại trong 24 thiên niên kỷ nữa.

Tàu Glomar Explorer được cho là tham gia chiến dịch bí mật nhằm trục vớt một phần của tàu ngầm hạt nhân bị chìm K-129 của Liên Xô

Mỹ đề nghị hỗ trợ nhưng bị từ chối

Chính phủ Mỹ nhanh chóng nhận thức được vụ việc xảy ra với tàu K-219 và cử máy bay tuần tra P-3C Orion để theo dõi các nỗ lực cứu tàu. Thậm chí, họ đề nghị hỗ trợ nâng con tàu lên mặt nước nhưng bị Liên Xô từ chối do lo ngại khả năng Mỹ có thể đánh cắp các thông tin bí mật của con tàu. Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, đã 2 lần đề cập đến khả năng người Mỹ có thể nâng tàu. Rõ ràng Liên Xô đã biết về “Dự án Azorian” - một hoạt động bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhằm nâng một tàu ngầm tên lửa Liên Xô bị chìm khác (chiếc K-129) ở ngoài khơi Hawaii vào năm 1974.

Ông Stephen Schwartz - thành viên cấp cao của Bản tin Khoa học nguyên tử (một tổ chức phi lợi nhuận uy tín, quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới về năng lượng nguyên tử) cho biết, vụ việc có một số điểm đáng chú ý.

“Đầu tiên, đó là những nỗ lực anh dũng của thủy thủ đoàn trong điều kiện rất nguy hiểm để đóng 2 lò phản ứng và ổn định tàu ngầm. Giống như một vụ tai nạn trước đó vào năm 1961 liên quan đến tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên của Liên Xô (chiếc K-19), họ đã ngăn chặn được một thảm họa lớn hơn nhiều. Thứ hai, sự thừa nhận nhanh chóng của Liên Xô về những gì đã xảy ra chứng tỏ các nhà lãnh đạo Liên Xô đã rút kinh nghiệm từ sự cố chỉ mới xảy ra 5 tháng trước đó liên quan đến thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine” - chuyên gia Stephen Schwartz phân tích.

Hóa ra, nhà lãnh đạo Gorbachev đã đúng khi lo lắng người Mỹ sẽ lấy trộm các bộ phận của tàu ngầm và tên lửa. Theo ông Schwartz, 2 năm sau, một tàu nghiên cứu của Liên Xô đã phát hiện ra một số tên lửa đạn đạo của K-219 và các đầu đạn nhiệt hạch nằm rơi vãi dưới đáy biển. Bằng cách nào đó, số vũ khí này đã không còn nằm bên trong con tàu khi nó chìm ở độ sâu 5.000m. Vậy có phải Mỹ đã bí mật trục vớt nhưng bất thành hay không?

Sự cố K-129 là một ví dụ không chỉ về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân mà còn là sự nguy hiểm của việc sử dụng năng lượng hạt nhân bất cẩn. Một ngày nào đó, ai đó sẽ phải lặn xuống độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy Đại Tây Dương để lấy lại lò phản ứng cùng đầu đạn lên trước khi nước biển ăn mòn làm giải phóng các chất phóng xạ độc hại. Đây là một vấn đề nan giải khi chúng ta phải sống với một nguy cơ kéo dài tới tận 24.000 năm, tất cả chỉ vì cuộc đua khắc nghiệt trong Chiến tranh Lạnh.

Một tàu nghiên cứu của Liên Xô đã phát hiện ra một số tên lửa đạn đạo của K-219 và các đầu đạn nhiệt hạch nằm rơi vãi dưới đáy biển. Bằng cách nào đó, số vũ khí này đã không còn nằm bên trong con tàu khi nó chìm ở độ sâu 5.000m. Vậy có phải Mỹ đã bí mật trục vớt nhưng bất thành hay không?

Ông Stephen Schwartz - thành viên cấp cao của Bản tin Khoa học nguyên tử