Các nhà khoa học Trung Quốc thông báo họ đã phát triển công nghệ radar dò tìm mang tính cách mạng, có thể phát hiện tàu ngầm đang hoạt động ở độ sâu lớn đáng kể.
Kỹ thuật mới dựa trên việc sử dụng sóng điện từ tần số cực thấp (ELF), có thể xuyên qua nước biển sâu, khiến nó trở thành một bước tiến lớn trong lĩnh vực thăm dò biển cả.
Nghiên cứu mô tả sự phát triển này được công bố vào ngày 28/11/2024 trên tạp chí khoa học Trung Quốc Modern Radar và ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn trên phạm vi toàn thế giới.
Dự án nghiên cứu phát triển được dẫn dắt bởi một nhóm các nhà khoa học do ông Li Daojing dẫn đầu, đến từ Phòng thí nghiệm quốc gia về Phát triển hình ảnh vi sóng của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một nguồn vô tuyến giả định được đặt trên bầu trời và phát ra sóng điện từ có bước sóng hơn 100 mét. Những sóng này có khả năng xuyên qua nước biển ở độ sâu vài trăm mét, giúp phát hiện tàu ngầm trong môi trường dưới nước đầy phức tạp.
Cơ sở của công nghệ này là việc sử dụng mở rộng hiệu ứng Doppler và phản ứng tổng hợp vi sóng năng lượng cao. Sóng ELF có tần số khoảng 100 Hz yêu cầu tiết diện radar lên tới 88 mét vuông, giúp xác định vị trí của tàu ngầm hạt nhân một cách hiệu quả.
Khí tài trên yêu cầu đi kèm với máy dò được lắp đặt trên máy bay không người lái, sẽ cung cấp phạm vi bao phủ rộng khắp lãnh thổ và cho phép xác định vị trí của vật thể dưới nước với độ chính xác cao.
Công nghệ này không chỉ cải thiện khả năng phát hiện tàu ngầm mà còn mở ra các khả năng bổ sung như liên lạc tầm xa giữa tàu mặt nước và tàu ngầm ở khoảng cách lên tới 6.000 km.
Theo nhóm nghiên cứu, các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên mặt đất đã xác nhận tính hiệu quả của hệ thống mới. Giai đoạn tiếp theo sẽ là quá trình sàng lọc và thử nghiệm sâu hơn trong điều kiện thực tế.
Sự phát triển này có nhiều ứng dụng tiềm năng, bao gồm trinh sát quân sự và liên lạc dưới biển sâu. Khả năng phát hiện tàu ngầm hạt nhân với độ chính xác cao đặt ra thách thức đáng kể cho các hạm đội tàu ngầm, đặc biệt là phương tiện hoạt động dựa trên khả năng tàng hình.
Các chuyên gia quân sự quốc tế tin rằng công nghệ mới của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực toàn cầu trong lĩnh vực tình báo hàng hải, thách thức những cường quốc quân sự hàng đầu.
Tàu ngầm, trước đây được coi là một trong những mục tiêu khó phát hiện nhất, giờ đây có thể được giám sát hiệu quả hơn, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu công nghệ này được triển khai thành công trên thực tế, nó sẽ thay đổi cách tiếp cận trinh sát và liên lạc dưới nước, mang lại cho các quốc gia sử dụng lợi thế đáng kể trong hoạt động hàng hải.
Trước tình hình trên, việc chế tạo tàu ngầm trong tương lai dự báo cũng sẽ yêu cầu có nhiều thay đổi, phải tập trung vào việc lẩn tránh sóng radar thay vì chỉ chú trọng giảm khả năng bộc lộ âm thanh như trước kia.