Mặc dù có sự chậm trễ so với hai đối thủ lớn là Nga và Trung Quốc, tuy nhiên Mỹ đang đuổi kịp nhanh chóng trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh với "át chủ bài" - tên lửa Dark Eagle.
Vào năm 2021, một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 3 - Lữ đoàn Pháo binh dã chiến số 17 của Lục quân Mỹ đóng tại căn cứ quân sự Lewis McCord đã nhận được bộ trang bị đầu tiên của hệ thống tên lửa siêu thanh tầm xa trên mặt đất có tên gọi Dark Eagle.
Điều này có nghĩa là Quân đội Mỹ bắt đầu biên chế những thành phần đầu tiên của hệ thống vũ khí tấn công siêu thanh, sau khi nhận thấy mình bị tụt hậu đáng kể so với hai đối thủ lớn nhất.
Tổng cộng có 4 bệ phóng đã bàn giao, đi kèm một trung tâm điều khiển khẩu đội và nhiều chiếc xe tải có rơ moóc với thiết kế đặc biệt nhằm tương thích với ống phóng.
Mặc dù vậy tại thời điểm đó, những thành phần trên mới chỉ đóng vai trò thử nghiệm cài đặt hệ thống, Quân đội Mỹ vẫn chưa nhận được tên lửa và ngày giao hàng còn giữ kín, nguyên nhân vì lý do bảo mật hay công tác đánh giá vẫn cần phải tiến hành thêm là điều bí ẩn.
Bất chấp thực tế trên, giới truyền thông cho rằng việc cung cấp các hệ thống vũ khí siêu thanh hoàn chỉnh cho Quân đội Mỹ sẽ bắt đầu trong năm tài chính 2023, tức là vũ khí sẽ sẵn sàng trong năm 2022.
Mặc dù vậy phải tới gần đây, tức là sau hơn 3 năm, Lầu Năm Góc mới cho biết đã hoàn thành việc phát triển tổ hợp tấn công siêu thanh thế hệ mới có tên gọi Dark Eagle.
"Quân đội Mỹ có kế hoạch đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ của hệ thống Dark Eagle", Lầu Năm Góc lưu ý, mặc dù cần nhấn mạnh rằng mốc thời gian này đã bị điều chỉnh khá nhiều lần.
Theo công bố từ nhà sản xuất, tên lửa siêu thanh Dark Eagle có đầu đạn dạng tàu lượn với khả năng đạt tới tốc độ trên Mach 5,5. Chúng có thể cơ động, thay đổi độ cao và hướng di chuyển, điều này sẽ làm phức tạp hơn rất nhiều việc đánh chặn của đối phương.
Do vậy vũ khí trên sẽ tấn công những mục tiêu chiến lược được bảo vệ tốt của kẻ thù tiềm tàng, bất chấp đối phương có bố trí dày đặc hệ thống phòng không xung quanh đi nữa.
Nguyên mẫu đầu tiên của Dark Eagle sẽ được đặt trên nền tảng di động mặt đất. Trong tương lai, vũ khí này dự kiến sẽ tương thích bệ phóng trên tàu chiến, thậm chí triển khai được từ máy bay ném bom chiến lược.
Dự kiến tổ hợp Dark Eagle đầu tiên sẽ được triển khai ở Đức trong khu vực bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa, điều này cho thấy mong muốn của Bộ chỉ huy Mỹ là bảo đảm an toàn cho vũ khí mới càng nhiều càng tốt trước nguy cơ xảy ra cuộc tấn công đường không từ Nga.
"Dark Eagle có khả năng thách thức các hệ thống phòng không S-300V4, S-400 và S-500 tiên tiến của Nga, bởi vì những tổ hợp đánh chặn nói trên chưa thể đối phó với đầu đạn siêu thanh nhanh và cơ động cao", tờ Army Recognition nhận xét.
Như tờ báo Mỹ đã chỉ ra, tại độ cao lớn, đặc biệt là trên 80 km, hệ thống duy nhất có khả năng đánh chặn đầu đạn C-HGB của Dark Eagle là hệ thống chống tên lửa 53T6M thuộc tổ hợp phòng thủ A-235 Nudol của Nga.
Tuy nhiên để đánh chặn, Nga sẽ phải lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa mới đảm bảo được xác suất thành công, bởi khác với Kinzhal hay Oreshnik, cho dù tốc độ thấp hơn nhiều nhưng Dark Eagle lại có khả năng cơ động như tên lửa hành trình, thay vì thực hiện cú bổ nhào đơn giản.