Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều đó được ghi rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang (bên phải) trong buổi gặp làm việc với Tổng Thư ký WEA Thomas Schirrmacher

Đại sứ Đặng Hoàng Giang (bên phải) trong buổi gặp làm việc với Tổng Thư ký WEA Thomas Schirrmacher

Tích cực hiện thực hóa quyền tự do tín ngưỡng

Tại buổi gặp làm việc với Tiến sĩ Thomas Schirrmacher - Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Liên minh Tin lành Phúc âm Thế giới (WEA) - cùng các đại diện của WEA tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã nhấn mạnh chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử đối với tất cả các tôn giáo. Đại sứ nêu rõ, chính sách này đã được thể chế và cụ thể hóa thông qua Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có đạo Tin lành, có điều kiện thuận lợi để hoạt động, phát triển một cách lành mạnh, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đạo Tin lành ở Việt Nam hiện nay có hơn 1 triệu tín đồ, hoạt động trên 63 tỉnh thành của cả nước, với hơn 90 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành khác nhau.

Vị Lãnh đạo của Liên minh Tin lành Phúc âm Thế giới đã bày tỏ ấn tượng trước chính sách, luật pháp và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, cũng như tinh thần đối thoại cởi mở, xây dựng và chân thành của Đại sứ Đặng Hoàng Giang trong lĩnh vực này. Tổng Thư ký WEA Thomas Schirrmatcher cho rằng, tôn giáo cần tách biệt và không nên can thiệp vào công việc của nhà nước.

Buổi gặp làm việc giữa Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và Tổng Thư ký WEA là một minh chứng cho thấy là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này được đảm bảo, tôn trọng trên thực tế và Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi cởi mở, thắng thắn cũng như hợp tác với các tổ chức quốc tế trong vấn đề này.

Có thể thấy rõ, song song với việc liên tục hoàn thiện lại thể chế pháp luật, chính sách trong nước, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế... về hợp tác phát triển nói chung, quyền con người nói riêng. Điều đó khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc để hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Từ những thành tựu đã đạt được trong phát triển quyền con người, Chính phủ Việt Nam đã ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam cũng đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội cho vị trí này. Việt Nam mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Không thể phủ nhận quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng ngày một tự do, tiến bộ hơn. Nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được đảm bảo tốt hơn, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo khác nhau cùng hoạt động. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. Là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế quan trọng, Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo đảm cho người dân các quyền đã được công nhận trong các công ước bằng hoạt động lập pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các quyền con người được các công ước ghi nhận.

Ở Việt Nam, 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương; với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu người theo các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước cùng hàng vạn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự.

Theo con số thống kê, hiện nay, 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó hơn 26 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm khoảng 27% dân số; gần 53.000 chức sắc, 134.000 chức việc, 28.000 cơ sở thờ tự. Đời sống sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam rất phong phú với hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức hằng năm.

Không chỉ là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam còn là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước bảo đảm như các dân tộc khác.

Với quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo như vậy, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước. Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu của tôn giáo. Hiện nay, cả nước có 63 cơ sở đào tạo tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo với gần 20 nghìn học viên đăng ký theo học các khóa đào tạo tôn giáo mỗi năm.

Những con số cùng thực tế đã khiến không ai có thể bác bỏ thực tiễn sống động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Không ai có thể cố tình xuyên tạc, lập lờ đánh lận những trường hợp vi phạm pháp luật với việc đảm đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Việt Nam luôn tôn trọng và nỗ lực tối đa để đảm bảo quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo cũng như quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Song không phải vì thế mà không phê phán những ai lợi dụng điều này để có những hành động vi phạm luật pháp, đi ngược lợi ích của đất nước và nhân dân. Bất kỳ ai nếu vi phạm pháp luật, dù với bất kỳ lý do, “chiêu bài” gì đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.