Việt Nam sẽ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi vào khoảng cuối quý I năm nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đã nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi và Bộ NN&PTNT sẽ công bố vào cuối quý I hoặc đầu quý II năm nay. 

Thông tin về tiến độ nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi tại cuộc họp sáng 11/2, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ N&PTNT cho hay, đến nay đang có 3 doanh nghiệp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y cùng triển khai nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đảm bảo đồng bộ về nhiều mặt như về giống, môi trường...

"Dịch bệnh nguy hiểm này xuất hiện trên thế giới cả trăm năm nay đến giờ chưa có vaccine nhưng Bộ đã phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu để có vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Hiện, chúng tôi đã triển khai kiểm nghiệm và khảo nghiệm, bước khảo nghiệm bị chậm gần 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến nay, các cơ quan đang triển khai khảo nghiệm vaccine này tại 2 cơ sở phía Bắc và phía Nam. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị công bố vaccine vào cuối quý I và đầu quý II/2022", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tiết lộ.

Việt Nam đã nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi

Việt Nam đã nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi

Ông Trần Văn Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty NAVETCO (đơn vị nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi) cho biết, sau một thời gian thực hiện và với sự giúp đỡ hiệu quả của các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Thú y, Công ty NAVETCO phối hợp với Viện Nghiên cứu PIADC, dự án nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đã thu được những kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng.

Theo đó, kết quả thu được cho thấy virus dịch tả lợn châu Phi chủng G-delta I 177L an toàn trên lợn khi sử dụng liều cao gấp 104 lần so với liều miễn dịch tối thiểu, cho mức độ bảo hộ 100%.

Khả năng trở lại độc lực của chủng virus vaccine cũng đã được kiểm tra với kết quả qua 6 lần cấy chuyển liên tục trên lợn không xuất hiện các dấu hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi ở các đời cấy chuyển, đặc biệt ở đời 5. Điều này chứng tỏ tính ổn định của chủng virus G-delta I 177 L.

Vaccine sản xuất từ chủng này cho khả năng bảo hộ tốt thông qua phương pháp đánh giá bằng công cường độc, dùng chủng virus DTLCP cường độc phân lập tại Việt Nam.

Qua đánh giá 6 lô vaccine sản xuất thử nghiệm, tất cả 6 lô đều đạt yêu cầu với 100% lợn tiêm vaccine được bảo hộ và 100% lợn đối chứng chết do virus DTLCP cường độc gây ra.

"Đây là bước khảo nghiệm cuối cùng để trình Hội đồng Khoa học Quốc gia phê duyệt trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Qua khảo nghiệm cho thấy, sau 6 ngày kết quả rất tốt, các con lợn được tiêm vaccine vẫn phát triển khỏe mạnh, trong khi đó những con lợn đối chứng không được tiêm vaccine đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nhiễm bệnh và chết. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để bắt tay ngay vào sản xuất thương mại khi được phê duyệt", ông Hạnh chia sẻ.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.154 xã của 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 288.668 con lợn, cao gấp 3,2 lần so với năm 2020.

Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn.