Vì sao xe tăng T-14 Armata chưa thể tham chiến tại Ukraine?

ANTD.VN - Trong nước Nga, ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng xe tăng T-14 Armata cần sớm tham chiến tại Ukraine, nhưng điều này là không dễ dàng. 

Xe tăng T-14 Armata đang bị thúc giục khẩn trương tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine nhằm xóa bỏ quan niệm cho rằng nó chỉ là phương tiện thích hợp duyệt binh. Điều này càng trở nên cấp thiết khi lực lượng thiết giáp Nga phải chịu tổn thất nặng nề.

Sở dĩ có tình trạng trên là bởi T-14 Armata được quảng cáo là xe tăng mang tính cách mạng của Nga, mạnh vượt trội mọi chiến xa thế hệ cũ và đủ khả năng xoay chuyển cục diện trên chiến trường.

Điểm nổi bật của Armata là tháp pháo không người ngồi trong điều khiển, được tích hợp nhiều khí tài ngắm bắn tinh vi, bao bọc bởi lớp giáp vững chắc, đi kèm với hệ thống phòng vệ chủ động "bất khả xâm phạm".

Tuy vậy, bất chấp sự thúc giục và những tính năng tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng của T-14 Armata, rất khó có khả năng "vua chiến trường" của Nga sẽ tham chiến tại Ukraine bởi những nguyên nhân sau đây.

Đầu tiên, đơn giản là vì Moskva không có đủ lực lượng để gửi ra chiến trường. Như đã đề cập trước đây, nhà sản xuất xe tăng Nga Uralvagonzavod từng tự tin cho biết T-14 Armata sẽ được giao vào năm 2018.

Nhưng sau đó, việc phân phối 9 chiếc xe tăng đầu tiên bị đẩy sang năm 2019. Sau mốc thời gian này, ban lãnh đạo doanh nghiệp lại thông báo 20 chiếc sẽ được thử nghiệm và 80 xe tăng cường sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2021.

Năm ngoái, Moskva lại thông báo rằng T-14 Armata sẽ chỉ được sản xuất hàng loạt trong năm nay, nhưng có vẻ như những chiếc MBT tiên tiến nói trên sẽ không sẵn sàng sớm nhất là vào giữanăm sau.

Ngoài ra có thể thấy Nga chưa chắc chắn việc sử dụng T-14 Armata sẽ mang lại hiệu quả tại Ukraine.

Có rất ít lý do để triển khai chỉ một vài chiếc T-14 bởi khó mang lại lợi thế chiến thuật rõ rệt, bất chấp loại xe tăng này nhanh hơn và có khả năng hoạt động cao hơn các loại chiến xa cũ hiện đang được sử dụng ở Ukraine.

Nếu có bất cứ toan tính nào với mong muốn đưa Armata ra trận thì giới chức quân sự Nga sẽ phải cân nhắc, bởi việc triển khai vũ khí tối tân nhất cùng với phần còn lại là những chiếc xe tăng công nghệ cũ khác sẽ chỉ khiến T-14 gặp nguy hiểm.

Nhưng một điều cần cân nhắc khác là Nga không thể để mất bất kỳ chiếc Armata nào, và do vậy họ có ít lý do để mạo hiểm với Armata trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Đó có thể là điều tốt nhất cho nước Nga, nhất là khi mỗi chiếc T-14 được cho là có giá hơn 8 triệu USD, gấp rất nhiều lần giá của một tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất, khoảng 100.000 USD.

Quân đội Ukraine đã chứng minh được hiệu quả của việc sử dụng tên lửa Javelin và NLAW trong việc phá hủy nhiều xe tăng Nga, do vậy việc triển khai T-14 không đáng để mạo hiểm bởi có thể mang tới hậu quả khôn lường.

Bằng cách không triển khai T-14, nó vẫn còn là một bí ẩn; một vũ khí mạnh mẽ tiềm tàng mà phương tây phải lo lắng. Nếu người Ukraine phá hủy dù chỉ một hoặc hai chiếc, nó sẽ nhanh chóng xóa bỏ mọi danh tiếng của Armata và Điện Kremlin sẽ chỉ đơn giản là đảm bảo điều đó không xảy ra.