Vì sao xe tăng Leopard 2A6 Đức được cho là mạnh vượt trội so với phần còn lại?

ANTD.VN - Không cần dùng tên lửa, xe tăng Leopard 2A6 của Đức vẫn có khả năng diệt mục tiêu ở cự ly cực xa.

Xe tăng Leopard 2A6 với khẩu pháo nòng dài 120 mm L/55 cùng hệ thống điều khiển hỏa lực tinh vi cho phép nó thực hiện những phát bắn với độ chính xác cực kỳ cao.

Đối với xe tăng do Nga chế tạo như T-90M hay T-14 Armata, nhà sản xuất quảng cáo chúng có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa 4 - 5 km nhờ sử dụng tên lửa chống tăng (ATGM), do đạn pháo không đạt được tầm xa như vậy.

Nhưng việc sử dụng ATGM cũng có nhược điểm, đó là tên lửa có vận tốc tối đa chỉ khoảng 200 m/s, không thể so sánh với viên đạn xuyên động năng sơ tốc 1.500 - 1.800 m/s, trong khi đó lại yêu cầu xe tăng phải liên tục chiếu chùm tia laser vào mục tiêu để dẫn bắn.

Nếu bị cảm biến trên xe tăng đối phương phát hiện và đáp trả bằng đạn xuyên cao tốc thì chiếc chiến xa đang dẫn bắn ATGM sẽ trúng đạn trước, hoặc không thể tiếp tục chiếu chùm laser định hướng cho tên lửa, do vậy sẽ thất bại trong việc tiêu diệt đối phương.

Nếu bỏ qua tên lửa và pháo chính thì xe tăng Nga vẫn thua thiệt khi sử dụng kính ngắm và hệ thống kiểm soát hỏa lực không tinh vi bằng MBT của NATO

Điều này được thể hiện rất rõ qua những giải đấu Tank Biathlon, khi xe tăng T-72B3 hay thậm chí cả T-90S đều phải rất chật vật mới bắn trúng được mục tiêu cách xa chỉ hơn 1.500 m với xác suất khá thấp, trong khi xe và mục tiêu đứng yên.

So sánh hệ thống điều khiển hỏa lực của 3 loại xe tăng Nga gồm T-72B3, T-90M Proryv và T-14 Armata thì mặc dù có sự khác biệt nhưng chưa đến mức thay đổi về chất, nghĩa là vẫn chưa tân tiến bằng xe tăng phương Tây.

Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào chiếc Leopard 2A6, đây là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất thế giới, chính thức đi vào phục vụ từ năm 2001, nó là phiên bản nâng cấp từ Leopard 2A5.

Chiếc MBT do Đức chế tạo được đánh giá vượt trội cả M1 Abarms (Mỹ), Challenger 2 (Anh) và Leclerc (Pháp) ở hệ thống bảo vệ, hỏa lực cũng như tính cơ động, và rõ ràng các xe tăng tối tân nhất của Nga cũng khó lòng so được với nó.

Xe tăng Leopard 2A6 được điều khiển bởi kíp lái 4 người; trọng lượng 62 tấn; lắp động cơ diesel tăng áp MTU MB-837 Ka501 công suất 1.500 mã lực, cho tốc độ di chuyển tối đa lên tới 68 km/h, tầm hoạt động 500 km.

Vũ khí chính của chiếc MBT này là pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm L/55 (nòng dài gấp 55 lần đường kính) với cơ số đạn 42 viên, khẩu pháo này dài hơn loại L/44 trên phiên bản Leopard 2A5, có tác dụng tăng độ chính xác và nối dài đáng kể tầm bắn.

Pháo chính cỡ 120 mm của xe tăng Leopard 2A6 cũng là loại được lắp đặt trên phiên bản nâng cấp mới nhất Leopard 2A7/2A7+, vũ khí này đã được thử nghiệm trên thao trường với một phát bắn lập kỷ lục thế giới.

Một viên đạn xuyên động năng bắn đi từ pháo L/55 của chiếc Leopard 2A6 đạt tới vận tốc đầu nòng 1.750 m/s và đã bắn trúng mục tiêu từ cự ly xa tới 5.000 m, đây là con số mà chưa một xe tăng nào đạt được.

Tại cuộc thi Strong Europe Tank Challenger, các thế hệ xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo nằm trong thành phần đội đua đến từ những quốc gia khác nhau đều đoạt mọi vị trí cao nhất, trong đó ưu điểm nổi trội chính là khả năng bắn chính xác

Trong trường hợp đối đầu trực diện trên chiến trường, các xe tăng tối tân nhất của Nga như T-90M cũng bị nhận xét khó có cơ hội an toàn trước Leopard 2A6.