Vì sao tiêm kích F-20 Tigershark Mỹ bị thất bại dù tính năng tốt?

ANTD.VN - Mặc dù sở hữu nhiều tính năng ưu việt, nhưng vì sao tiêm kich F-20 Tigershark vẫn đánh mất cơ hội trở thành mẫu tiêm kích xuất khẩu thành công của Mỹ?
F-20 Tigershark (Cá mập hổ) là mẫu máy bay tiêm kích được hãng Northrop Grumman bắt đầu chế tạo vào năm 1975 bằng kinh phí riêng, nhằm chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu đang nở rộ vào giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Được biết loại tiêm kích này được phát triển trên cơ sở mẫu tiêm kích F-5E Tiger II được Mỹ sản xuất hàng loạt và cung cấp cho các quốc gia đồng minh kể từ sau Thế chiến II.

F-20 Tigershark ban đầu được dự định mang tên F-5G, cải tiến đáng kể nhất của nó là thay thế 2 động cơ General Electric J85 của F-5E bằng 1 động cơ turbo phản lực General Electric F404.

Động cơ General Electric F404 có công suất lớn giúp gia tăng lực đẩy toàn phần lên 60%, từ đó tăng tốc độ tối đa và tầm hoạt động.
Bên cạnh đó, F-20 Tigershark còn được trang bị radar General Electric AN/APG-67 có hiệu năng tốt hơn Emerson AN/APQ-159 trang bị trên chiếc F-5E.
So với F-5E, mẫu F-20 nhanh hơn, có khả năng không chiến ngoài tầm nhìn hiệu quả, không kích các mục tiêu mặt đất bằng hệ thống vũ khí chính xác cao.
Về vũ khí, F-20 Tigershark được gắn 5 giá treo trên cánh và thân, có khả năng mang 3,6 tấn bom, tên lửa, rocket.
Vũ khí đối không của máy bay gồm nhiều tên lửa AIM-9, AIM-7 Sparrow, hai pháo tự động M39 20mm với cơ số đạn 280 viên.
Khi tấn công mục tiêu mặt đất, F-20 sử dụng tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, hai ống phóng rocket CRV-7 hoặc LAU-10 với 4 rocket 127 mm và các loại bom thường Mk80, bom chùm CBU.
Một điểm mạnh khác của F-20 Tigershark so với những đối thủ cạnh tranh là khả năng đối phó nhanh với các tình huống khẩn cấp.

Trong một đợt diễn tập thử nghiệm vào năm 1980, F-20 Tigershark chỉ mất 2 phút 30 giây để đạt độ cao 12 km, sẵn sàng đối đầu với các mối đe dọa xâm nhập không phận.

Ngoài ra để không chiến tầm gần F-20 Tigershark vẫn được trang bị hai pháo tự động M39 20mm với cơ số đạn 280 viên.
F-20 Tigershark có chiều dài 14,4 m, sải cánh 8,53 m, cao 4,2 m, trọng lượng rỗng 5,96 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 7 tấn, vận tốc tối đa đạt Mach 2 (68m/s), trần bay cao nhất 16 km.
Với năng lực bứt phá, F-20 Tigershark sớm được coi là đối thủ cạnh tranh với các thiết kế máy bay chiến đấu đương đại như F-16/79.

F-16/79 chính là phiên bản sửa đổi hướng tới xuất khẩu của F-16A/B, dù có thiết kế mới hơn nhưng nó lại chỉ được trang bị động cơ phản lực General Electric J79 đã lỗi thời.

Lợi thế của F-20 Tigershark so với F-16/79 nằm ở giá cả và chi phí vận hành thấp hơn.
Thành công của F-20 Tigershark đáng lẽ bắt đầu từ đó, nhưng đã nhanh chóng sụp đổ bởi nhiều nguyên nhân mang tính chính trị.
Sau khi ông Ronald Reagan được bầu làm Tổng thống Mỹ, chương trình F-20 Tigershark dần dần không còn được ưa chuộng do chính quyền mới của Washington bắt đầu nới lỏng các hạn chế xuất khẩu tiêm kích F-16 hiện đại.
Cùng lúc đó là quyết định ký kết Thông cáo chung giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề mua bán vũ khí đã ngăn chặn việc Washington cung cấp F-20 Tigershark cho Đài Loan (một trong những khách hàng chính lúc đó).
Cơ hội dành cho F-20 Tigershark ở các thị trường khác cũng trở nên xấu đi, khi quân đội Mỹ nói rằng tăng cường xuất khẩu mẫu F-16 ra nước ngoài sẽ hạ giá thành mẫu tiêm kích này, đem lại lợi thế cho không quân Mỹ.
Bên cạnh ý kiến khen cũng có thông tin cho rằng F-20 Tigershark đã ôm đồm quá nhiều trong thiết kế khiến nó không còn là tiêm kích hạng nhẹ đúng nghĩa.
HIện chiếc F-20 Tigershark duy nhất còn sót lại hiện được trưng bày tại Trung tâm Khoa học California ở Los Angeles, đánh dấu một cái kết buồn cho mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ đầy uy lực.