Vì sao Mỹ tính mang 'rồng lửa' Patriot xuống chiến hạm

ANTD.VN - Tập đoàn Lockheed Martin nói hải quân Mỹ đang xem xét lắp tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE của hệ thống phòng không Patriot lên chiến hạm để bổ sung năng lực phòng thủ.

Tập đoàn Lockheed Martin tuần này cho biết đang tăng sản lượng tên lửa PAC-3 MSE dành cho tổ hợp phòng không Patriot, trong lúc chờ đợi hải quân Mỹ quyết định có trang bị loại đạn này cho ống phóng thẳng đứng Mark 41 trên các chiến hạm hay không.

Chris Mang, Phó chủ tịch bộ phận sản xuất tên lửa của Lockheed Martin, cho biết hải quân Mỹ quan tâm đến PAC-3 MSE nhằm bổ sung cho lá chắn phòng thủ Aegis, hệ thống đóng vai trò xương sống trong mạng lưới đa tầng bảo vệ chiến hạm của quân chủng này.
PAC-3 MSE là tên lửa phòng không cực kỳ linh hoạt, có thể đối phó tên lửa đạn đạo, siêu vượt âm và hành trình. Năng lực của PAC-3 MSE sẽ được tăng cường khi tác chiến trên biển và kết hợp với Aegis, hệ thống có tính năng vượt trội hơn nhiều so với các tổ hợp radar của lục quân Mỹ, ông Mang nói.
Quan chức Lockheed Martin cho rằng hải quân Mỹ đang sở hữu những loại tên lửa phòng không tầm xa rất tốt, song vẫn cần bổ sung phương án đánh chặn các mối đe dọa phức tạp, đặc biệt ở tầm gần, như tên lửa diệt hạm siêu thanh phóng từ tàu ngầm.
Ông Mang giải thích hải quân Mỹ quan tâm đến PAC-3 MSE do nguồn cung sẵn có và sản lượng lên tới 600 quả mỗi năm.
"Tên lửa PAC-3 MSE đã trải qua thực chiến và có khả năng hạ mục tiêu chỉ bằng một quả đạn, trong khi những hệ thống cũ hơn phải dùng tới hai tên lửa", quan chức Lockheed Martin cho hay.
Biên tập viên Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định PAC-3 MSE sẽ bổ sung năng lực cho các hệ thống phòng không trên chiến hạm, kết hợp với tên lửa tầm ngắn RIM-162 ESSM và tên lửa đánh chặn tầm cao SM-6.
PAC-3 MSE là phiên bản nâng cấp sâu rộng của hệ thống phòng thủ Patriot vốn ra đời từ thập niên 1980.
Patriot PAC-3 MSE được thiết kế để cung cấp khả năng phòng thủ tiên tiến chống lại một loạt mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và máy bay địch.
Hiện hãng Lockheed Martin của Mỹ đang mở rộng cơ sở sản xuất để chế tạo thêm "sát thủ phòng không" PAC-3 MSE.
Tập đoàn Lockheed Martin đã tăng đều đặn số lượng sản xuất PAC-3 MSE kể từ khi được đưa vào sản xuất loạt vào năm 2018.
Họ dự tính sẽ nâng năng lực sản xuất lên thêm 40% so với hiện tại để đảm bảo nguồn cung PAC-3 MSE.
PAC-3 MSE sử dụng đạn tên lửa nhiên liệu rắn giúp cho hệ thống hoạt động ổn định, hiệu quả, dễ bảo trì.
Ngoài ra, kết cấu động cơ đẩy nhiên liệu rắn hai tầng cho phép tăng gấp đôi tầm bắn hiệu dụng của đạn tên lửa đánh chặn.
Đặc biệt PAC-3 SME tiêu diệt mục tiêu bằng phương thức va chạm động năng thay vì thuốc nổ.
Điều này giúp PAC-3 MSE có độ chính xác gần như tuyệt đối.
Mỗi hệ thống Patriot PAC-3MSE mới có thể mang theo tối đa 16 đạn.
Con số này gấp 4 lần cơ số đạn của các hệ thống đánh chặn mạnh nhất hiện nay của Nga như S-300, S-400.
"Biến thể mới có khả năng bảo vệ được 360 độ, trong khi vẫn duy trì được khả năng cơ động, cũng như giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng xuống còn 50%", Chủ tịch của tập đoàn vũ khí Lockheed Martin từng cho biết.
Trước mắt sẽ có khoảng 220 hệ thống Patriot PAC-3MSE trên khắp nước Mỹ và 12 hệ thống ở các nước đồng minh.
Dù là hệ thống vũ khí công nghệ cao của Mỹ, nhưng Patriot PAC-3 MSE lại là một sản phẩm được cấp phép xuất khẩu.
Hiện Saudi Arabia, Đức và Ba Lan đã đặt mua hệ thống đánh chặn tối tân này. Ukraine cũng đã nhận một số lượng nhỏ tên lửa thuộc biến thể này.